Phúc Báo Thai Chay

Chương 2



8

 

Ngày công bố kết quả, Triệu Nguyệt Kiều cầm điện thoại lướt suốt nửa ngày, vẫn không thấy tên con đâu.

 

Phải kéo tới cuối bảng Excel chi chít chữ, tận dòng áp chót, mới thấy tên “Hứa Hinh”.


Văn: 52. Toán: 34. Anh: 41.


Thang điểm là 100.


Cô ta hét lên:

“Chắc chắn là trường nhầm rồi! Sao con tôi lại chỉ được từng này điểm?”


Cô ta đi đi lại lại giữa phòng khách, lẩm bẩm cả buổi.


Tôi suýt thì bật cười.


Phát triển trí não của trẻ cần nhiều loại vi chất, thứ mà chế độ thuần chay hoàn toàn không cung cấp nổi.

Ví dụ như DHA – ảnh hưởng trực tiếp đến trí lực – chỉ có thể lấy từ cá.


Ăn chay từ nhỏ đến giờ mà đòi thông minh, mới lạ.


Nhưng rõ ràng, Triệu Nguyệt Kiều không có khái niệm gì về những điều đó.


Sau một hồi cằn nhằn, cô ta lại tìm đến tôi:


“Lan Lan, em đi nói với ban giám hiệu, bảo họ kiểm tra lại, có khi nhầm thật! Không thì cũng phải điều tra xem có gian lận gì không!”


Tôi cạn lời.


Gian lận với hơn 300 học sinh đứng trên à?


Mẹ tôi liếc nhìn Triệu Nguyệt Kiều, không dám lên tiếng,

chỉ biết đưa ánh mắt cầu cứu sang tôi:


“Lan Lan, nhà mình chỉ trông vào con. Con phải nghĩ cách giúp cháu chứ…”


Hứa Hồng cũng xen vào:

“Phải đó, hay là con đem quà tới gặp hiệu trưởng, nhờ họ giúp đỡ một chút, thêm vài chỉ tiêu thì cũng đâu ảnh hưởng gì.”


Nếu cứ tặng quà là được nhận, hơn ba trăm phụ huynh kia chẳng lẽ đều không biết làm vậy?


Muốn đi cửa sau dễ thế à?

Thế sao anh không tự đi?


Anh tôi – trước giờ – mãi mãi chỉ biết nói suông.

 

9

Tôi thở dài, vẻ mặt khó xử:

“Không phải em không muốn giúp Hinh, mà là chị dâu nói con trai chị là bé thuần chay, thông minh nhất, kỳ thi thế này chẳng đáng kể. Vì vậy em mới không chuẩn bị gì cả. Bây giờ chỉ tiêu đã hết, có muốn đi xin cũng muộn rồi.”


Hứa Hồng nghe vậy, mặt lập tức sa sầm, chỉ tay vào Triệu Nguyệt Kiều bắt đầu đay nghiến:

“Không phải cô nói ăn chay rồi thì thi kiểu gì cũng dễ như chơi sao? Giờ là sao?”


Triệu Nguyệt Kiều đảo mắt, chống nạnh bắt đầu cãi vã:

“Anh đổ lỗi cho tôi làm gì? Rõ ràng là do trường có vấn đề! Anh không biết con trai mình thế nào sao? Nó vốn thông minh nhất lớp.

Tôi nghe nói mấy trường tư thục này, đề thi toàn đánh đố, cố tình làm khó học sinh. Không thi thì thôi!”


Hai người lại bắt đầu cãi nhau om sòm.


Tôi từ tốn xen vào:

“Chị dâu nói đúng lắm. Vàng ở đâu cũng sẽ sáng thôi. Nếu trẻ con thật sự thông minh, học trường nào cũng giống nhau cả.”


Vậy là trận ầm ĩ kết thúc bằng tiếng cãi vã giữa hai người.


Và trong đời này, Hứa Hinh không còn cơ hội nào để vào trường Tiểu học Ngọc Sơn nữa.


Nó chỉ có thể học tại địa phương, ở một ngôi trường phổ thông bình thường.


Tài nguyên giáo dục chất lượng, từ đây không còn liên quan gì đến nó nữa.


10

Ở nhà vài ngày, dạ dày tôi gần như muốn đình công.


Hứa Hồng cũng ăn cơm ở nhà.


Triệu Nguyệt Kiều không cho mẹ tôi nấu món mặn, mỗi ngày ngoài cơm với rau, chỉ toàn là các món giả chay chiên ngập dầu như thịt chay, gà chay, ngỗng quay chay…


Tôi ăn hai bữa đã chịu hết nổi, bắt đầu đặt đồ ăn ngoài.


Chân gà cay, gà nướng, xiên thịt cừu, tôm cay, trà sữa.


Thêm một đống đồ ăn vặt làm từ thịt, bày kín cả phòng khách.


Tôi lười biếng ngồi tựa vào sofa xem tivi, từ tốn thưởng thức.


Hứa Hinh ngồi cạnh, mắt nhìn chằm chằm.


“Muốn ăn không?”


Tôi lắc lắc cái đùi gà vàng óng trên tay, hỏi nó.


Nó khinh khỉnh lắc đầu:

“Mẹ cháu bảo ăn thịt là bẩn nhất.”


Nhưng mắt thì không chớp nhìn chằm chằm cái đùi gà.


Tôi nhướng mày, tiếc rẻ ra mặt:

“Thế à? Vậy cô ăn vậy!”


Dứt lời, tôi há miệng cắn một miếng, nước thịt chảy ra thơm ngào ngạt.


“Cho cháu ăn thì sao? Nhỡ đâu làm hỏng phúc báo thì rắc rối lắm.”


Rồi nó chỉ có thể trơ mắt nhìn tôi gặm hết cái đùi gà, nước miếng nuốt ừng ực.


Tâm trạng tôi cực kỳ tốt.


Kiếp này, tôi không chỉ muốn tránh xa cái gia đình đó.


Kiếp trước giết chết tôi, sao có thể để yên cho được?


Con người vốn là loài ăn tạp.


Cái gọi là “trẻ con vốn không thích ăn thịt” của mấy cha mẹ ăn chay chẳng qua là kết quả bị thuần hóa, chứ chẳng phải bản năng.


Khi nó vào trường, thấy chế độ ăn bình thường của bạn bè, liệu còn ngoan ngoãn như bây giờ không?


Hạt giống đã gieo rồi. Tôi chỉ đợi ngày nở.


11

Mới học được chưa đầy một tháng, Triệu Nguyệt Kiều đã tới trường làm loạn hai lần.


Lý do là vì căn tin gần như không có món nào thuần chay.


Cà chua thì xào trứng, cải thảo thì có thịt băm, ngay cả bí đao cũng nấu nước hầm xương.


Cô ta tức tốc chạy đến tìm giáo viên chủ nhiệm khiếu nại.


Giáo viên chủ nhiệm bất đắc dĩ giải thích, trẻ con tuổi này thường kén ăn, nên đầu bếp cố gắng nghĩ cách khiến món ăn dễ tiếp cận hơn.


Nhưng Triệu Nguyệt Kiều nhất định không buông tha:


“Dù sao cũng phải tôn trọng người ăn chay chúng tôi. Không thì tôi sẽ khiếu nại lên Sở giáo dục!”


Trường học sợ nhất là kiểu phụ huynh chuyên đi gây chuyện.


Trưởng ban giảng dạy vội ra mặt dàn xếp, hứa từ nay căn tin sẽ thêm hai món chay mỗi ngày.


Cô ta mới miễn cưỡng đồng ý.


Trước khi rời đi, giáo viên chủ nhiệm liếc nhìn thể trạng của Hứa Hinh, chân thành khuyên:

“Em Hứa trông có vẻ thiếu dinh dưỡng. Đang trong tuổi phát triển, vẫn nên ăn uống cân bằng một chút.”


Nhưng Triệu Nguyệt Kiều chẳng mảy may tiếp thu:


“Mấy người thì biết gì! Tôi đang giúp con tích lũy công đức. Mỗi ngày trường mấy người giết bao nhiêu động vật để phục vụ học sinh? Quá tàn nhẫn!”


Một tràng lời lẽ ngớ ngẩn khiến cả phòng giáo viên ngơ ngác nhìn nhau.


12

Nhưng yên bình chẳng được bao lâu, cô ta lại tiếp tục gây chuyện.


Lần này vì cô nấu bếp dùng muôi múc thịt viên để múc rau cho học sinh.


Triệu Nguyệt Kiều đúng lúc tới trường, vừa hay nhìn thấy.


“Mấy người cố tình muốn phá hoại phúc báo của con tôi à?

Thịt bẩn thế mà còn trộn vào đồ chay! Mấy người là cố ý!”


Cô ta vừa chửi vừa đòi đuổi việc cô nấu bếp.


Cô kia tất nhiên không chịu.


Giờ cao điểm phát cơm vốn đã bận rộn muốn chết, còn phải cẩn thận tới mức từng quả trứng một cũng bị soi mói.


Hai người cãi nhau to trước quầy phát cơm.


Lần này, nhà trường không nhân nhượng nữa.


Phụ huynh xung quanh chứng kiến cũng không nhịn nổi.


Ai cũng lên tiếng:

“Chị Hứa à, căn tin phục vụ cả trăm học sinh chứ đâu riêng mình con chị. Nếu không yên tâm, chị tự chuẩn bị cơm cho con đi.”


Cô ta hơi mất mặt.


“Được thôi! Tự mang thì tự mang! Ăn thịt bẩn chết đi được, tôi cũng chẳng muốn con mình ăn chung với lũ trẻ đó!”


Tối hôm đó, cô ta vui vẻ nói với con:


“Từ mai mẹ sẽ bảo bà nội chuẩn bị cơm chay cho con mỗi ngày, không cần ăn ở căn tin nữa.”


Hoàn toàn không nhận ra ánh mắt Hứa Hinh vừa tối sầm xuống.


13

Tôi trở lại bệnh viện tiếp tục đi làm.


Nửa năm sau, được phân công đi hỗ trợ vùng Tây Bắc.


Đời trước, vì ở lại chăm sóc Hứa Hinh, tôi đã từ chối cơ hội này.


Cũng vì thế, khi đồng nghiệp được đề bạt thăng chức sau chuyến công tác, tôi vẫn dậm chân tại chỗ.


Tôi từng nghĩ đó là sự hy sinh. Đổi lại là gì? Là nhát dao sau lưng từ chính gia đình.


Kiếp này, tôi không để thứ gọi là “gia đình” níu chân mình nữa.


Và lần tiếp theo tôi nghe tin về Hứa Hinh, là lúc nó gây chuyện đánh bạn trong trường.


Bạn cùng bàn của nó là một bé gái rất thích ăn vặt – tên Liêu Tinh Tinh.


Ngày nào cũng mang theo phô mai que, xúc xích, các món ăn nhẹ đến trường.


Hứa Hinh thường lén ăn vụng đồ của cô bé.


Liêu Tinh Tinh phát hiện, nói lại với cả lớp.


Thế là nó bị bạn bè châm chọc:


“Quý tử thuần chay mà chê thịt bẩn lắm cơ mà? Sao lại ăn trộm xúc xích của người ta?”


Nó xấu hổ hóa giận, hất cả ca nước sôi vào mặt Liêu Tinh Tinh.


Kết quả chọc giận cả lớp, bị bạn bè xúm vào đánh cho một trận.


Khi Triệu Nguyệt Kiều biết chuyện, phản ứng đầu tiên là đổ lỗi cho cô bé kia.


Tại sao lại mang đồ ăn vặt đến trường dụ dỗ con bà?


Cô ta còn báo cảnh sát, đòi bắt những kẻ đã đánh con mình.


Nhưng Hứa Hinh chỉ bị thương nhẹ, hơn hai mươi học sinh cùng tham gia, không thể truy cứu trách nhiệm cụ thể.


Trong khi đó, Liêu Tinh Tinh bị bỏng độ hai nghiêm trọng, tình trạng nặng.


Gia đình cô bé quyết định khởi kiện, truy cứu trách nhiệm đến cùng.

 

14

Khi tôi nhận được cuộc gọi từ nhà, đang khám bệnh thiện nguyện ở vùng quê.

Giọng mẹ tôi đầy nước mắt:

“Lan Lan à, con nhất định phải cứu cháu con một lần nữa!”


Phía bên kia đòi bồi thường năm trăm nghìn, nếu không sẽ làm lớn với truyền thông, ép nhà trường đuổi học Hứa Hinh.


Tôi quá hiểu tình hình kinh tế nhà họ.


Triệu Nguyệt Kiều ở nhà lo nội trợ, thu nhập của Hứa Hồng chẳng thấm vào đâu.

Họ làm gì có từng ấy tiền tiết kiệm.


Vậy là họ lại nhắm vào tôi.


Tôi tháo tai nghe, nhún vai:

“Mẹ à, ai chẳng biết nghề bác sĩ lương chẳng bao nhiêu, tiền tiết kiệm của con còn đang trả nợ nhà, lấy đâu ra số tiền đó?”


Vừa nói xong, tôi chợt nghĩ tới…


Họ sẽ không nhắm tới căn nhà của tôi đấy chứ?


Quả nhiên, mẹ tôi nghẹn ngào một lúc rồi lên tiếng:

“Con vẫn còn căn nhà nữa mà? Đem cầm cố cho ngân hàng, vay năm trăm nghìn chắc không khó.

Cứ coi như mẹ mượn con tạm, sau này sẽ thay anh con trả lại.”


Tôi nghẹn lại trong lồng ngực.

Máu trong người như đông lại.


Từng ấy năm, bà không phải chưa từng nói những lời này.


Lúc Hứa Hồng cưới vợ, bà đã mượn tôi mười vạn.

Cũng là kiểu nói đó – mẹ mượn, sau này sẽ trả.

Rồi chẳng ai nhắc lại nữa.


Bởi vì bà biết, là con gái, tôi chẳng thể nào đòi nợ mẹ ruột.


Cái gọi là “mượn”, thực chất là moi tiền tôi để cho con trai bà xài.

Và tôi – bị cái vỏ bọc người mẹ dịu hiền ấy lừa suốt hơn hai mươi năm.


Nếu không trải qua một kiếp bị giết, nếu không nhìn thấy bộ mặt lạnh lùng của họ sau khi tôi chết…

Tôi vẫn sẽ sống mãi trong thứ tình thân giả dối ấy, vẫn sẽ gánh những trách nhiệm vốn chẳng thuộc về mình, và trả giá hết lần này đến lần khác.


Tôi bật cười lạnh.


“Mẹ năm nay sáu mươi hai rồi nhỉ? Không có lương hưu, không còn đi làm. Lấy gì để trả nợ?”


Bà khựng lại, giọng lập tức cao lên the thé:

“Con nói kiểu gì vậy? Chẳng phải là người nhà với nhau sao? Hinh là cháu ruột con, nó gặp chuyện, con không lo ai lo?

Nuôi con bao năm, giờ kiếm được tiền chỉ biết hưởng thụ, đúng là nuôi con chẳng ra gì!”


Quả nhiên, đó mới là suy nghĩ thật của bà.


Trong nhận thức của bà, tiền tôi kiếm được phải dùng để giúp đỡ anh trai.


Với bà, anh chị tôi mới là “gia đình”, còn tôi – chỉ là người ngoài.


Có lẽ bà cũng từng yêu thương tôi,

chỉ là thứ tình yêu ấy – so với con trai và cháu trai của bà – chẳng đáng gì.


Người ta hay nói, lòng bàn tay hay mu bàn tay đều là máu thịt.

Nhưng làm sao mu bàn tay có thể so với lòng bàn tay được?


Tôi hít một hơi thật sâu:

“Nợ ai thì người ấy trả. Ai sinh con thì người ấy nuôi.

Nuôi con là nghĩa vụ của cha mẹ, con không có bất kỳ trách nhiệm nào cả. Mọi người tự lo đi.”


Nói xong, tôi cúp máy.


15

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.


Chiều hôm đó, mắt tôi giật liên hồi.

Lòng ngực cũng bồn chồn lạ thường.


Tối đến, tôi nhận được thông báo chuyển tiền:

Hai tài khoản ngân hàng của tôi, mỗi tài khoản vừa bị rút 200.000.


Người nhận tiền: Triệu Nguyệt Kiều.


16

Tôi lập tức xin nghỉ phép khẩn, mua vé máy bay bay về trong đêm.


Vừa bước tới cửa nhà, phát hiện căn hộ đối diện nhà tôi đang mở toang.


Bên trong bừa bộn khắp nơi.

Thẻ ngân hàng biến mất, túi xách, trang sức cũng không thấy đâu.


Tôi lập tức đi kiểm tra camera an ninh.


Quả nhiên – là mẹ tôi và Triệu Nguyệt Kiều cùng nhau làm.


Mẹ tôi có chìa khóa căn hộ của tôi.

Còn mật khẩu thẻ ngân hàng – bà là người duy nhất từng chứng kiến tôi nhập. Đoán cũng ra.

Chương trước Chương tiếp
Loading...