Phúc Báo Thai Chay
Chương 1
1
Tôi trở về nhà đúng dịp đầy tháng con trai của anh trai.
Chị dâu tôi – Triệu Nguyệt Kiều – bế con trai khoe khắp bàn tiệc, miệng không ngừng nói về chuyện nuôi con thuần chay từ trong bụng.
Chị bảo mình đã ăn thuần chay được hai năm, ngay cả trứng sữa cũng không đụng đến.
Trong thai kỳ cũng vậy, không hề đụng qua đồ mặn.
Sau khi sinh, đứa trẻ sẽ tiếp tục được nuôi bằng chế độ thực vật hoàn toàn – không sữa bột, chỉ uống sữa đậu nành.
Họ hàng xung quanh đều thấy kỳ cục, lần lượt khuyên chị:
“Trẻ con đang trong giai đoạn phát triển, cần đầy đủ dinh dưỡng. Không uống sữa thì lấy gì mà lớn?”
“Nếu sau này ảnh hưởng đến phát triển thì sao?”
Chị dâu tôi tỏ vẻ chẳng thèm quan tâm:
“Các người không hiểu đâu! Con tôi là ‘thai thuần chay’, được hưởng phúc báo trời ban, chỉ có thể thông minh hơn người!”
“Nói thật đi, Lan Lan, em là bác sĩ, em nói xem, nuôi con ăn chay chẳng phải là tốt hơn sao?”
Lúc chị nói câu đó, ánh mắt lập tức đổ dồn về phía tôi.
Tôi ngẩn người một chút, bất giác nhớ lại…
Đời trước, chị ta cũng từng nói những lời đó, và hỏi tôi y hệt như vậy trước mặt họ hàng.
Khi đó, tôi với tinh thần chuyên nghiệp, chỉ thành thật trả lời:
Với kinh nghiệm của một bác sĩ nhi khoa, tôi từng gặp nhiều ca trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng vì chế độ ăn cực đoan.
Trong cộng đồng thuần chay cực đoan, cái gọi là “thai thuần chay” là khái niệm rất phổ biến.
Nhưng sự thật là những đứa trẻ đó thường thấp bé hơn bạn đồng lứa, phản ứng chậm hơn, thể chất yếu hơn hẳn.
Sự phát triển của trẻ con đòi hỏi vi chất và dinh dưỡng toàn diện – mà chế độ thực vật hoàn toàn không thể cung cấp đầy đủ.
Ăn uống phải cân bằng, mới đảm bảo phát triển bình thường.
Sắc mặt chị dâu tôi lúc đó tối sầm, không nói được gì.
Cuối cùng, dưới sự khuyên nhủ của các bậc lớn tuổi, anh trai tôi miễn cưỡng đồng ý: không để con ăn chay tuyệt đối từ nhỏ.
Thằng bé từ đó lớn lên khỏe mạnh, phát triển bình thường.
Tôi tưởng rằng mọi chuyện đã qua, nhưng không ngờ từ đó về sau, hễ cháu gặp chuyện gì khó khăn trong cuộc sống, mẹ nó lại đổ lỗi cho tôi.
Chỉ cần học hành không thuận lợi, hay xảy ra mâu thuẫn gì, chị ta đều nói:
“Lẽ ra con là đứa bé được phúc báo từ thai thuần chay, đáng ra phải thuận buồm xuôi gió, thành công mọi mặt…
Là tại cô Lan – cô phá hỏng phúc báo của con!”
Thế là từ nhỏ cháu đã oán hận tôi.
Cuối cùng, vào một lần tôi về thăm nhà, thằng bé đã lén bỏ thuốc ngủ vào sữa tôi uống.
Chờ tôi hôn mê, nó lấy gối vào phòng tôi – bóp chặt…
Góc khuất của camera trong phòng khách đã quay lại cảnh đó.
Chị dâu tôi phát hiện ra ngay sau đó, nhưng phản ứng đầu tiên của chị không phải là gọi cấp cứu hay báo công an –
mà là bảo anh tôi xóa ngay đoạn video đó.
Sau đó, họ tuyên bố với người ngoài rằng tôi đột tử.
Trong tang lễ, mẹ tôi khóc đến khàn cả giọng, nhưng chỉ còn lại mình bà sau khi khách khứa rời đi.
Bà ôm di ảnh tôi, nghẹn ngào:
“Lan Lan, mất con rồi mẹ đã đau đớn lắm…
Mẹ không thể mất luôn đứa cháu này nữa…”
Bà biết tất cả. Nhưng chọn im lặng.
Đó là gia đình mà tôi từng dùng cả trái tim để yêu thương.
Nghĩ tới đó, tôi quay lại nhìn chị dâu Triệu Nguyệt Kiều, ánh mắt chị vẫn tràn đầy mong chờ,
Tôi mỉm cười điềm tĩnh.
“Trên đời không có tiêu chuẩn tuyệt đối cho việc làm cha mẹ,
Nuôi con thế nào, tất nhiên là quyền của mẹ rồi.”
Chị nghe xong thì hài lòng gật đầu.
“Nghe thấy chưa? Cả bác sĩ cũng nói vậy, các người còn gì để nói nữa chứ!”
Đúng vậy.
Lần này tôi cũng muốn nhìn xem, cái gọi là "thai thuần chay" của chị, rốt cuộc sẽ “được phúc báo” đến mức nào.
2
Tiệc rượu vừa kết thúc, mẹ tôi gọi tôi và vào ngồi xuống.
“Lan Lan, con xem ở quê mình không tiện gì cả, sau này chuyện sữa bột cho đứa nhỏ, chắc chỉ trông vào con thôi.”
Đời trước cũng thế, mỗi lần cần sữa bột hay thức ăn dặm, họ đều đẩy cho tôi mua.
Nghe thì tử tế: “Đã nói phải nuôi khoa học thì người nói ra phải chịu trách nhiệm.”
Khoảng thời gian đó, tiền của tôi cứ như nước đổ đi.
Mỗi khi tôi muốn tính toán rõ ràng với anh chị, mẹ lại khuyên nhủ:
“Toàn người trong nhà, tính toán gì cho mệt.”
Thế là chi phí nuôi con, họ mặc nhiên trích nửa từ tôi.
Nhưng lần này, tôi không muốn làm con ngốc nữa.
“Mẹ, chị dâu nói sẽ nuôi con bằng chế độ thuần chay, vậy mẹ thử nói xem, có loại sữa bột nào trên thị trường là thuần chay không?”
Nụ cười của bà đông cứng lại, ánh mắt nhìn Triệu Nguyệt Kiều một cái, nhưng không dám đắc tội con dâu.
“Vậy... thì phải làm sao?”
Làm sao à? Tất nhiên là uống sữa đậu nành rồi.
Tôi nắm lấy tay bà, cười tươi như không có chuyện gì.
“Ôi mẹ ơi, chị dâu biết cách nuôi con mà, mẹ khỏi phải lo.”
Bà chỉ biết cười gượng, không còn gì để nói.
Rồi sau đó, bà chỉ biết trơ mắt nhìn Triệu Nguyệt Kiều mua cả bao đậu nành trên mạng về, chỉ tay bảo mẹ tôi ngày nào cũng phải nấu sữa đậu cho cháu.
3
Hai tháng sau, một đêm muộn, tôi nhận được cuộc gọi từ nhà.
Là anh tôi – Hứa Hồng – gọi tới.
“Lan Lan, Hinh Hinh sốt cao mãi không hạ, em mau về đưa nó đi bệnh viện!”
Hứa Hinh là tên cháu tôi.
Cũng như đời trước, mỗi lần thằng bé có chút cảm sốt, anh chị đều gọi tôi ngay lập tức.
Họ còn chẳng buồn đưa đi viện, hoàn toàn đẩy trách nhiệm sang tôi.
Còn tôi, khi đó bị mẹ nhồi nhét cái tư tưởng “người trong nhà”, nên ôm hết mọi chuyện, sắp xếp đâu vào đó.
Nhưng bây giờ, tôi vừa hết ca trực, thảnh thơi cởi blouse trắng, duỗi người.
“Không được đâu anh, em đang trực khám bệnh, không thể rời chỗ.”
Đầu dây bên kia bực lên:
“Khám gì mà khám! Em biết phân biệt nặng nhẹ không? Đừng có để con anh xảy ra chuyện rồi hối không kịp!”
Tôi bình thản cười nhạt.
“Anh nóng quá rồi. Không phải chị dâu từng nói sao, thai thuần chay thì được phúc báo, thể chất tốt hơn người thường? Em còn tưởng bé sẽ không bao giờ ốm, nên đâu có chuẩn bị gì.”
Hứa Hồng nổi giận, chửi tôi một trận xối xả.
Sau đó quay sang mắng vợ mình:
“Cô nói ăn chay là tốt, vậy sao con lại bệnh?”
Nhưng Triệu Nguyệt Kiều không dễ gì chịu thua:
“Chỉ là bệnh vặt, đến bệnh viện chẳng ích gì! Đứa bé này là có công đức, không sao đâu!”
Hai người bên kia bắt đầu cãi vã.
Âm thanh đập đồ, sập cửa vang dội.
Khi họ cuối cùng cũng chịu đưa thằng bé đến phòng khám, bé đã sốt tới 41 độ.
4
Lần này chưa chec.
Phòng khám tư quen dùng kháng sinh phổ biến, vài chai truyền dịch vào, hạ sốt thấy ngay.
Ngược lại, bệnh viện tuyến trên quản lý nghiêm ngặt, không cho lạm dụng kháng sinh nên hạ sốt chậm hơn.
Vì vậy, tôi còn bị Triệu Nguyệt Kiều nói móc:
“Bệnh viện các cô chỉ biết moi tiền, việc một chai nước biển là xong, cũng phải làm quá lên!”
Cô ta đâu hiểu, lạm dụng kháng sinh lâu dài sẽ khiến trẻ phụ thuộc, hệ miễn dịch suy giảm – là thảm họa cho sự phát triển.
Đã thế thì cứ để cô ta toại nguyện, muốn truyền bao nhiêu cứ việc.
Số phận đứa trẻ, vốn nên tỷ lệ thuận với nhận thức của cha mẹ.
Không cần thiết phải cố gắng thay đổi.
5
Sáng hôm sau sau khi truyền dịch, thân nhiệt của Hứa Hinh trở lại bình thường.
Triệu Nguyệt Kiều phấn khích tột độ, càng tin rằng đó là công lao của chế độ ăn chay.
Lập tức đăng bài khoe khoang:
【Người ta cảm mạo vào viện hơn chục ngày mới đỡ, còn bé chay nhà tôi thì nửa đêm đã hạ sốt!】
Cô ta còn tuyên bố sau này sẽ càng kiên trì ăn chay, và sẽ khuyến khích nhiều mẹ bầu khác áp dụng “thai thuần chay”.
Dưới phần bình luận, bạn bè cùng giới của cô ta nhao nhao hưởng ứng:
【Tùy hỷ tán thán, công đức vô lượng.】
Tôi lướt qua một cách thờ ơ, rồi tắt màn hình.
Cứ để cô ta lãng phí cuộc đời theo cách mình chọn đi.
6
Thời gian trôi vèo qua.
Khi tôi gặp lại Hứa Hinh, thằng bé đã bảy tuổi.
So với ấn tượng đời trước, khác biệt quá rõ ràng.
Da dẻ vàng vọt, tóc khô xác, thấp hơn bạn cùng lứa ít nhất sáu, bảy phân.
Đứng ngây ngốc trong góc, chẳng buồn giao tiếp với ai.
Vậy mà Triệu Nguyệt Kiều vẫn cứ kiêu ngạo như mọi khi.
Mấy năm qua, dưới sự "huấn luyện" của cô ta, trong nhà không ai dám để thằng bé ăn một miếng thịt.
Ngay cả sinh nhật, bà nội nấu mì trường thọ bỏ chút mỡ heo vào, cũng bị cô ta mắng té tát.
Mỗi lần như thế, cô ta lại tự hào khoe khoang:
“Bé Hinh nhà tôi giống hệt tôi, chỉ cần ngửi mùi thịt là buồn nôn rồi!”
Tôi chỉ mím môi, không nói gì.
Vì sao mấy người ăn chay cực đoan lại hay nói không ngửi nổi mùi thịt?
Triệu chứng điển hình khi gan bị tổn thương đấy.
7
Ăn xong, mẹ tôi kéo tay tôi, ánh mắt đầy khẩn khoản.
“Lan Lan, giờ nó chỉ còn mình con là cô ruột, vì chuyện hồi nhỏ mà con cũng không thể mặc kệ được.”
Họ muốn tôi giúp xin cho Hứa Hinh vào trường tiểu học tư thục Ngọc Sơn.
Đời trước, nhờ tôi kèm cặp, nó đã đậu vào trường đó.
Vì trường gần chỗ làm của tôi nên sau đó thằng bé chuyển sang ở hẳn với tôi.
Từ ăn uống đến sinh hoạt, đều một tay tôi lo.
Tôi chăm sóc nó suốt chín năm, đến khi thi đậu trường cấp ba trọng điểm, rồi còn được tuyển thẳng vào đại học 985.
Vậy mà trong buổi tiệc ăn mừng hôm nó đậu đại học, chính tay nó giết tôi.
Trước khi chết, tôi nghe nó nói:
“Tại cô xen vào, kéo tôi khỏi ba mẹ, nên tôi mới phải chịu khổ suốt bao nhiêu năm.
Nếu tôi cứ ăn chay với mẹ tôi từ nhỏ, học hành đâu có vất vả thế!”
Hóa ra, tất cả những gì tôi dốc lòng cho nó, trong mắt nó, chỉ là khổ ải.
Từng đồng tiền tôi bỏ ra, đổi lại không phải lời cảm ơn, mà là sự oán hận không dứt.
Chín năm, tôi đã nuôi được một con sói đội lốt người.
Nghĩ tới đây, tôi bình thản lên tiếng:
“Mẹ ơi, chỉ là kỳ thi vào tiểu học thôi mà.
Với trí tuệ của một bé thai thuần chay, chắc chắn sẽ không có gì khó cả, đúng không chị dâu?”
Khi nói, tôi quay sang nhìn Triệu Nguyệt Kiều.
Cô ta ngẩng đầu kiêu hãnh:
“Tất nhiên, con tôi thì loại kỳ thi này chẳng đáng nhắc tới.”
Tôi bật cười.
Tôi cũng rất muốn biết, đời này, nó sẽ thi được bao nhiêu điểm.