Nắng Chiều Đã Ngả Nhưng Gió Vẫn Tự Do

Chương 4



Nhìn ra vẻ ngượng ngập của tôi, Liêu Dục Phong bật cười: “Đừng cảm thấy áp lực, là cha tôi yêu cầu đấy.”


Nghe là ý từ bậc trưởng bối, tôi cũng không nói thêm gì nữa.


Có lẽ thấy tôi không giỏi xã giao, trên suốt quãng đường, Liêu Dục Phong luôn chủ động tìm chuyện để nói.


Đến khi nhận ra thì… tôi mới phát hiện, tình hình của mình gần như đã bị anh ấy moi ra sạch sành sanh.


Làm ăn buôn bán đúng là đáng sợ thật.


Ý thức được điều đó, từ sau mỗi lần mở miệng, tôi đều thận trọng hơn đôi chút.


Nhưng có vẻ Liêu Dục Phong chẳng hề để tâm, vẫn rất tò mò về cuộc sống trước kia của tôi và ông nội.


Đến nơi, tôi lập tức xuống xe, đợi đến khi chắc chắn đã khuất khỏi tầm mắt anh ấy mới âm thầm thở phào. Điều tôi không hề biết là, sau lưng, Liêu Dục Phong đang nở một nụ cười đầy ý vị.


Tuy cha của Liêu Dục Phong đã lớn tuổi, nhưng vẫn giữ được khí chất của một người từng ở vị trí cao.


Thế nhưng, khi ông nhìn thấy tôi, nụ cười hiền hậu trên gương mặt ấy lại không hề khiến tôi cảm thấy bất kỳ áp lực nào.


Tôi luôn thích giải quyết mọi việc nhanh gọn, vừa ngồi xuống chưa được bao lâu, tôi đã chủ động hỏi: “Cháu nghe nói gần đây bác không khỏe, bác cảm thấy triệu chứng cụ thể như thế nào ạ?”


Ông Liêu nhìn con trai mình một cái, rồi chủ động đưa tay ra: “Bác cũng không rõ mình khó chịu ở đâu, cháu xem giúp bác nhé.”


Cảm giác được chút ý trêu ghẹo trong giọng ông, tôi hơi bối rối, nhất thời không hiểu ông đang có ý gì.


Tôi lần lượt bắt mạch cả hai tay cho ông, rồi quan sát lưỡi.


“Mặc dù vẫn còn chút dấu tích từ cơn bạo bệnh năm xưa nhưng cha cháu đã điều trị rất kỹ lưỡng, sức khỏe của bác hiện tại tốt hơn nhiều so với những người cùng tuổi. Chỉ cần ăn uống điều độ, vận động vừa phải và khám định kỳ là được, không cần quá lo lắng đâu ạ.”


Không ít người già vì muốn con cháu quan tâm mà viện cớ không khỏe nên tôi cũng không cho rằng lời Liêu Dục Phong nói hôm qua là bịa đặt.


Thấy tôi đứng dậy chuẩn bị cáo từ, Liêu Dục Phong bèn lên tiếng: “Đã đến rồi, hay là cô khám luôn cho mấy người trong nhà tôi luôn đi? Tiền khám không thành vấn đề!”


Nghe vậy, tôi lại ngồi xuống.


Vì được ông nội dạy dỗ từ nhỏ, chỉ cần có người mở lời nhờ khám bệnh thì tôi tuyệt đối không được từ chối. Tôi liếc nhìn cha của Liêu Dục Phong, phát hiện nét mặt ông ấy có chút gì đó khó đoán.


Thấy tôi nhìn, ông vội bảo người làm mang hoa quả lên cho tôi rồi cười nói: “Nghe Dực Phong bảo cháu đến Nam Thành du lịch? Chắc thằng bé lo sợ một ngày nào đó cháu rời đi rồi không tìm được nữa nên mới muốn cháu khám luôn cho người nhà. Mong cháu đừng trách.”


Người lớn đã nói đến mức này rồi, tôi càng không có lý do để từ chối.


Trong lúc đợi mọi người tới, cha của Liêu Dục Phong kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện xảy ra khi cha tôi chữa bệnh cho ông năm xưa.


“Bác sĩ đâu rồi? Tôi vừa thấy tin nhắn là bỏ cả cuộc họp chạy đến đây dấy!” Một giọng nữ hào sảng vang lên sau lưng.


Ngay sau đó, từng người một lần lượt kéo đến. Nhìn số người mỗi lúc một đông, tôi kinh ngạc liếc Liêu Dục Phong một cái.


Tôi chỉ là một thầy thuốc tự do thôi mà, sao lại có cảm giác như đang ngồi khám ở bệnh viện tuyến trung ương thế này?


Nhận ra ánh mắt như muốn ‘truy cứu trách nhiệm’ của tôi, Liêu Dục Phong bước lại gần, hạ giọng nói: “Xin lỗi nhé, tôi chỉ nói trong nhóm là con gái của người từng chữa khỏi bệnh cho cha tôi đang ở nhà, thế là mọi người kéo đến đông như vậy thôi. Nhà tôi đông người lắm, cô đừng trách nha.”


Cảm giác bị mấy chục ánh mắt xa lạ đồng loạt đổ dồn về phía mình là sao? Giây phút ấy, tôi thật sự có cảm giác mình lỡ bước vào hang sói.


“Tôi không thể khám cho từng này người cùng lúc được đâu.”


Sức người có hạn mà. Y thuật ông truyền lại vốn cần sự quan sát tỉ mỉ và cẩn trọng; một lúc khám vài người còn tạm được, chứ mấy chục người... đến ông nội tôi sống lại cũng khó mà kham nổi.


“Không sao, tôi sẽ bảo người làm chia số thứ tự. Mỗi ngày năm người, thế có được không?”


Vì đang lo lắng nên tôi không để ý rằng khoảng cách giữa mình và Liêu Dục Phong đã gần đến thế. Cũng không nhận ra, trong phòng lúc này, những ánh mắt kinh ngạc đang len lén trao đổi với nhau khi thấy nét mặt dịu dàng hiếm thấy của anh ấy.


“Tổng cộng nhà anh có bao nhiêu người vậy? Tôi còn định vài hôm nữa sẽ rời đi.”


Dù đã có ý định mở một phòng khám y học cổ truyền, nhưng tôi vẫn phải về nhà một chuyến để lấy vài món đồ quan trọng. Tôi không định sống ở thôn quê nữa, có điều trước mắt vẫn cần xử lý căn nhà ở đó cho ổn thỏa.


Một pha ‘ra chiêu’ thế này của Liêu Dục Phong, khiến kế hoạch của tôi rối tung lên.


“Sao phải vội vàng đi như thế? Cô không thích Nam Thành à?”


10


Lúc Liêu Dục Phong nói câu đó, giọng anh ấy hơi lớn một chút. Có lẽ vì trong phòng quá yên tĩnh nên những người khác cũng nghe thấy.


“Cô Tang không thích Nam Thành sao? Nhà chúng tôi còn có chi nhánh ở nhiều thành phố khác nữa đấy!”


“Tiểu Du thích ở đâu thì cứ nói nhé! Bình thường tôi cũng hay đi du lịch, chúng ta có thể làm bạn đồng hành mà!”



Mỗi người một câu, khiến tôi choáng váng đến không biết nên phản ứng thế nào.


Liêu Dục Phong khẽ hắng giọng một tiếng, lập tức mọi người đều im lặng. Anh ấy hạ thấp giọng hỏi: “Là có chuyện gấp cần giải quyết sao?”


Vì trên đường đến đây tôi đã nói sơ với anh về kế hoạch của mình, nên cũng không giấu diếm: “Không hẳn là chuyện gấp, chỉ là tôi muốn về quê một chuyến, mang theo vài thứ của ông nội và cha. Như vậy thì khi chọn được nơi mở phòng khám, tôi sẽ không cần quay lại lần nữa. Tôi cảm thấy như thể họ vẫn luôn ở bên tôi vậy.”


Liêu Dục Phong nhìn tôi chằm chằm vài giây, không nói gì. Khi tôi quay sang nhìn anh ấy đầy nghi ngờ, anh hỏi: “Những thứ đó quan trọng lắm à? Có thể để người khác động vào không?”


Thật ra chỉ là mấy tấm ảnh của ông và cha, cùng vài cuốn thủ bút mà ông để lại. Ông nội tôi thích viết tiểu triện, chữ trong đó giờ chẳng mấy ai đọc được đâu… Với tôi thì chúng rất quan trọng, nhưng cũng không đến mức người khác không được chạm vào.


Nghe tôi nói vậy, Liêu Dục Phong liền ngồi xổm xuống trước mặt tôi: “Nếu cô tin tôi thì cho tôi xin địa chỉ. Tôi cho người về lấy giúp cô, được không? Hoặc là đợi cô khám xong cho người nhà tôi rồi, tôi sẽ đi cùng em về.”


Thấy tôi định từ chối, anh ấy lại tiếp lời: “Trên đường tới đây, tôi có nghe cô kể về nơi cô từng sống hồi nhỏ. Chỗ đó khá hẻo lánh, để cô đi một mình tôi không yên tâm… Với lại, tôi cũng biết ít nhiều về bí mật nhà họ Tang. Giờ cô chỉ có một mình, lại là con gái, lỡ bị kẻ xấu nhắm vào thì sao?”


Những người có thể mời được ông nội và cha tôi ra tay thì chắc chắn không phải người bình thường, nên việc họ biết chút chuyện về nhà tôi cũng không có gì khó hiểu.


Không muốn để Liêu Dục Phong hiểu lầm, tôi giải thích rõ: “Tôi biết anh đang nói đến điều gì. Tôi cũng có thể khẳng định với anh một điều: ông nội chưa từng truyền lại loại thuật pháp gì đó cho tôi. Tôi chỉ là một bác sĩ đông y bình thường thôi, thật lòng thì nếu gặp bệnh gì quá phức tạp, chưa chắc tôi đã chữa được đâu.”


Khi nói những lời đó, tôi cố tình nói lớn hơn bình thường một chút, để những người trong phòng đều nghe thấy. Tối hôm qua về khách sạn, tôi đã lên mạng tra thử thông tin về nhà họ Liêu... Tài sản của họ còn lớn hơn nhà họ Lương gấp 5 lần.


Tôi không tin một gia tộc lớn như vậy lại không có bác sĩ riêng đáng tin cậy. Việc họ chỉ vì một câu nói mà lập tức kéo nhau đến nhà Liêu Dục Phong... chẳng qua là vì họ tưởng tôi giỏi như cha tôi mà thôi.


Nhưng sự thật là… tôi chỉ là một người bình thường. Họ lại tốn thời gian và công sức để xếp hàng đợi tôi bắt mạch, thật sự không cần thiết đến vậy.


Tôi cứ nghĩ, nói rõ điều đó ra thì nhà họ Liêu sẽ sớm mất hứng thú với tôi. Không ngờ, người phụ nữ trung niên đến đầu tiên lại mở lời: “Tiểu Du, cháu hiểu lầm rồi, đừng tự áp lực. Năm xưa cha cháu kéo anh cả của cô từ ranh giới sinh tử trở về, cả nhà cô đều rất biết ơn ông ấy. Mọi người vội vàng tới đây, một phần là vì thật lòng muốn gặp cháu, phần còn lại là muốn thay nhà họ Liêu gửi lời cảm ơn đã bị bỏ lỡ suốt bao năm qua đấy.”


Người phụ nữ trẻ tuổi lúc nãy nói thích đi du lịch cũng tiếp lời: “Hồi đó, bác ruột của tôi vừa khỏi bệnh thì chú Tang đã rời đi, nhà tôi còn chưa kịp cảm ơn thì đã mất liên lạc với chú ấy rồi. Mãi đến khi có tin tức trở lại, mới hay chú đã qua đời... chuyện đó khiến bác ruột ân hận suốt một thời gian dài.”


11.


Chuyện như vậy đúng là phong cách của cha tôi. Ông cứ mải miết chữa bệnh cứu người, chỉ để bù đắp cho nỗi day dứt vì năm xưa không cứu được mẹ tôi, chứ không phải vì tiền.


Tôi liếc nhìn bác Liêu, thấy khóe mắt bác hoe đỏ đang nhìn tôi đầy xúc động:


“Tiểu Du, chắc Dực Phong cũng nói với cháu rồi. Sau khi cha cháu mất, bác đã tìm mọi cách hỏi thăm tin tức của cháu và ông nội. Vài năm trước biết được ông cháu từng đến nhà họ Lương nhưng sau đó thì bặt vô âm tín. Gặp được cháu ở Nam Thành lần này… thật sự là chuyện bác chưa từng dám nghĩ tới. Bác hiểu rõ cha cháu đã phải trả giá thế nào để cứu mạng bác. Cháu có thể cho bác một cơ hội, để bác thay ông ấy chăm sóc cháu thật tốt không?”


Tôi cảm thấy hơi luống cuống, không biết phải đối mặt thế nào với tình huống trước mắt.


Năm năm trước cùng ông nội đến nhà họ Lương, đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận lời khám bệnh bên ngoài.


Những năm qua, khi còn ở bên Lương Dự Chu, những bệnh nhân tôi gặp hầu như đều có liên quan đến gia đình họ.


Vì nể tình qua lại, tôi chỉ nhận thù lao mang tính tượng trưng.


Số tiền bảy con số mà tôi nhận từ Triệu Duyệt… Chẳng khác gì là một cách cắt đứt ân oán giữa hai nhà.

 

Chương trước Chương tiếp
Loading...