Bình Minh Sau Đêm

Chương 6



15


Cái Tết năm ấy, có lẽ là cái Tết hạnh phúc nhất trong đời tôi.

 

Dù là cửa hàng của Chu Đạt hay công ty mà anh hợp tác cùng người khác, mọi thứ đều đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.

 

Tiệc tất niên hôm đó, mọi người rôm rả nâng ly, tưởng tượng một năm tới rực rỡ, hy vọng về tương lai, rượu vào lời ra, không khí vô cùng náo nhiệt.

 

Còn tôi, trong những chùm pháo hoa lấp lánh khắp bầu trời, đan tay mười ngón vào tay Chu Đạt.

 

Tôi biết phía trước sẽ chẳng phải con đường trải thảm, nhưng bất kể xảy ra chuyện gì, tôi cũng sẽ không rời đi.


Mà bước ngoặt của câu chuyện, vẫn luôn đến một cách đột ngột và tàn nhẫn như thế.

 

Sau Tết đi làm trở lại, công ty của Chu Đạt bắt đầu trục trặc liên tục.

 

Tài chính, kỹ thuật, đối thủ cạnh tranh… mọi phương diện đều giống như những mũi kim chọc vào dây thần kinh của cả nhóm.

 

Cuối cùng, sau nhiều tháng thua lỗ, đã có người lựa chọn rút lui.

Giống như con đê dài trăm dặm bị khoét một lỗ, nước tràn thành lũ, tập thể bắt đầu rạn nứt.

 

Tôi tận mắt thấy Chu Đạt đứng trên ban công suốt đêm hút thuốc, nhưng lại chẳng thể giúp được gì.

 

Khoảnh khắc ấy, tôi chỉ ước gì bản thân có thể có đủ năng lực để san sẻ với anh.


Nhưng cửa hàng không thể từ bỏ, đó là đường lui cuối cùng của chúng tôi.


Tuyên bố thất bại đến vào một ngày bình thường đến không thể bình thường hơn.

Hôm đó trời đổ mưa to.

Chu Đạt hút hết năm bao thuốc.

 

Tôi từng thấy anh phóng khoáng ngông nghênh, từng thấy anh dịu dàng lễ độ, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy anh mất phương hướng như vậy.

 

Mà tôi lại chẳng thể làm được gì.

Chỉ có thể yên lặng ngồi bên anh.


Tiếng mưa ngoài cửa sổ ngày càng dữ dội, át cả mọi âm thanh.

Anh bất ngờ lên tiếng, giọng khẽ khàng:

“Em có hối hận không?”

 

Tôi quay đầu, gần như nghĩ mình nghe nhầm.


Khoảnh khắc ấy, thời gian như quay ngược.

Tại sân ga nhỏ mưa bay lất phất một năm trước, anh từng ngồi cạnh tôi, khẽ hỏi:

“Em có sợ không?”

 

Cơn mưa năm ấy, giờ đã hòa vào làn gió miền Nam, tôi nhẹ nhàng đưa tay đặt lên mu bàn tay anh.

Giọng nói rõ ràng, từng chữ như đóng đinh:


“Không hối hận.”

 


16


Chúng tôi bước vào một khoảng thời gian vô cùng khó khăn.

Toàn bộ tiền đều dùng để duy trì cửa hàng, để tiết kiệm chi phí, chúng tôi cho nghỉ nhân viên, Chu Đạt và tôi gần như làm ngày làm đêm.

 

Anh có chán nản, nhưng không hề từ bỏ.

Tôi luôn động viên anh: đợi đến khi gom đủ vốn, chúng ta có thể khởi nghiệp lại.


Nhưng tai nạn thì luôn đến bất ngờ.

Trên đường giao hàng, tôi gặp tai nạn giao thông.

 

Lúc Chu Đạt đưa tôi vào bệnh viện, cả người anh run rẩy.

Chúng tôi gần như không có tiền, nhưng anh không biết xoay đâu ra, vẫn nộp đủ chi phí nhập viện.

 

Tôi hỏi anh: “Anh vay ai thế?”

Anh hờ hững đáp: “Bạn.”

 

Sau này tôi mới biết, anh đã chạy đến bốt điện thoại công cộng để gọi cho gia đình.

 

Lúc đó, anh trai anh – Chu Phát – đã quay về tiếp quản nhà máy. Còn Phùng Việt không biết dùng cách gì, lại bám được vào Chu Phát một lần nữa.

 

Người nghe máy chính là Phùng Việt.

Cô ta nhân cơ hội đang là “chị dâu hợp pháp” của Chu Đạt, mắng anh một trận ra trò, trút hết căm hận bị sa thải ngày trước, rồi mới truyền đạt lại lời nhờ vả đến Chu Phát.

 

Chu Đạt cứ thế mà nhẫn nhịn.

Vì tôi, cuối cùng vẫn vay được tiền.

 

Anh – người luôn kiêu hãnh như thế – chưa từng nói với tôi lấy nửa lời.

Chỉ là, trong đêm sâu yên tĩnh, khi tưởng tôi đã ngủ say trên giường bệnh, anh khe khẽ lẩm bẩm — chẳng rõ là đang độc thoại hay đang hứa hẹn với tôi:


“Về sau, anh sẽ không để em phải chịu khổ như vậy nữa…”

 

Đêm tối mịt, chỉ còn nhịp tim trong lồng ngực nhắc tôi:

Đây không phải mơ.

 

May mà tôi không bị thương quá nặng.

Sau khi kiểm tra toàn thân, chỉ bị thương nhẹ, vài ngày sau đã được xuất viện.

 

Chu Đạt chăm sóc tôi rất chu đáo, không để tôi đụng đến chuyện gì trong cửa hàng nữa.


Thành phố ven biển này mùa xuân và mùa hè đều rất nóng.

Mỗi lần nhìn bóng lưng anh mồ hôi nhễ nhại đi đi về về vì cửa hàng, tôi lại thấy đau lòng.

 

Đêm khuya chập chờn, tôi tựa đầu vào vai anh thì thầm:

“Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.”


Mỗi lần như vậy, anh đều hôn nhẹ lên đỉnh đầu tôi, giọng dịu dàng như gió:

“Cảm ơn em.”

 

Anh rất ít khi nói cảm ơn.

Nhưng tôi hiểu rõ, hai chữ đó có bao nhiêu nặng tình.

 

Chuyện khởi sắc bắt đầu từ cuối thu.

Chúng tôi tiết kiệm được một khoản, mở rộng cửa hàng, thuê thêm nhân viên.


Một buổi tối nọ, trên đường trở về cùng nhau, anh đột nhiên nói:

“Anh muốn làm thương mại điện tử.”


Tôi sững người, rồi mới hiểu được ý anh.

Hóa ra… anh vẫn chưa từ bỏ đam mê của mình.


Tôi gật đầu: “Vậy thì làm đi.”


Đêm ấy, trời sao lấp lánh.

Chu Đạt nghiêng đầu nhìn tôi, ánh mắt sáng rực như chứa cả bầu trời.

“Nếu lại thất bại thì sao?”

 

Tôi không nghĩ ngợi:

“Thì bắt đầu lại từ đầu.”


Anh ngẩn ra một lúc.

Rồi bật cười lớn.


Khoảnh khắc ấy, anh dường như lại trở về là Chu Đạt ngạo mạn, ngông nghênh thuở ban đầu.


Tôi nhìn anh, cười:

“Anh phải cười như thế. Mới đúng là người em biết.”


Anh xoa đầu tôi, giọng ấm áp:

“Được.”

 

17


Năm đầu tiên của thế kỷ 21, cũng là năm tôi cảm thấy khó quên nhất sau khi sống lại.


Chu Đạt mở rộng được hơn mười cửa hàng, đồng thời triển khai sàn thương mại điện tử riêng.

Sinh nhật tuổi hai mươi của tôi, anh dẫn tôi ra biển.

 

Hoàng hôn phủ trên đại lộ ven biển, gió biển nhẹ lướt qua gò má, tầng mây đỏ tím pha lẫn ráng chiều như thiêu đốt cả bầu trời.

 

Lúc ánh mặt trời cuối cùng vừa tắt, từ xa bỗng bừng sáng những chùm pháo hoa rực rỡ, pháo sáng rơi xuống như mưa bạc.

 

Ngay dưới vòm trời đầy sao và hoa lửa ấy, Chu Đạt bất ngờ quỳ một gối xuống bãi cát, giơ lên một chiếc nhẫn kim cương, hướng về phía tôi cầu hôn.

 

Khoảnh khắc đó, tôi nghĩ mình sẽ nhớ mãi suốt đời.


Hôm sau, chúng tôi cùng lên chuyến tàu trở về quê.

Đã hai năm chưa quay lại, mọi thứ vẫn y nguyên như cũ.


Tuy chưa thể gọi là vinh hoa phú quý, nhưng cũng đủ gọi là áo gấm về làng.


Tôi không dẫn Chu Đạt theo.

Chỉ một mình trở về cái nơi gọi là "nhà" ấy.


Tôi cố tình chọn lúc tối muộn, đứng trước khu nhà chờ em trai cùng bố cùng mẹ tên Lộ Học Khang đi học về.


Tôi gọi tên nó.

Hai năm không gặp, nó nhất thời không nhận ra tôi:

“Cô là ai?”


Rồi khựng lại một chút, lộ ra vẻ mặt chán ghét:

“Lộ Khả? Không phải chị bỏ trốn với người ta rồi à? Giờ bị đá nên quay về à?”


Từ nhỏ nó được bố mẹ cưng chiều, không biết đồng cảm, miệng lưỡi luôn chua ngoa.


Tôi không để bụng, chỉ cười:

“Đúng là bỏ trốn đấy. Hôm nay về là để bàn với cậu một chuyện.”


“Chuyện gì?”


Tôi cúi đầu lấy ra một xấp tiền trong ví.

“Cho cậu. Đổi lại, lén lấy sổ hộ khẩu cho tôi.”


Ánh mắt nó lập tức sáng rực, chẳng thèm hỏi tôi cần sổ hộ khẩu làm gì, vội vã giật lấy tiền, nhét ngay vào ngực áo:

“Vài hôm nữa chị đến tìm em, có hàng rồi em lại lấy tiền tiếp nha!”


“Nhất ngôn cửu đỉnh.”


Tôi xoay người rời đi, khoé môi khẽ nhếch.


Tôi thật sự cần sổ hộ khẩu để đi đăng ký kết hôn.

Nhưng số tiền vừa rồi, cũng là cái giá đã định sẵn.


Lộ Học Khang vui vẻ như thế, vì giờ nó đang rất cần tiền.

Đang học cấp ba, nhưng đã dính vào đám côn đồ trong một tổ chức phi pháp.


Chúng mở một s ò n g b ạ c ngầm, ngày ngày tiêm nhiễm đầu óc nó.

Nó bắt đầu học đ á n h b ạ c, nợ nần chồng chất.


Lúc đầu còn lén lấy tiền nhà, sau này nợ lớn không che nổi, bọn giang hồ tìm tới cửa.

Bố mẹ tôi lúc đó mới tá hỏa, vắt kiệt gia sản mới tạm bù được một phần.


Ai ngờ nó vẫn không biết hối cải, lại tiếp tục bài bạc.

Bố mẹ tôi ngày càng già, lại không có tiền chữa bệnh, càng không kham nổi nợ nần.


Lộ Học Khang rồi sẽ bước theo con đường của mọi con b ạ c:

Trộm cướp, h à n h h u n g, không việc xấu nào không làm.

Cuối cùng, nửa đời còn lại đều sống sau song sắt.


Số tiền tôi cho nó hôm nay, chẳng qua là muốn đẩy nhanh kịch bản ấy sớm hơn một chút mà thôi.

 

 

Chương trước Chương tiếp
Loading...