Từ Nay Về Sau, Chỉ Vì Con Gái Mà Sống

Chương 2



Vừa về đến nhà, Dương Lực cũng vừa đi làm về. Anh xách theo một chiếc laptop, vẫn mặc chiếc áo khoác da màu đen đã mặc suốt năm năm, cổ áo đã sờn trắng.

 

Vừa nhìn thấy anh, tôi không kìm được, lao vào ôm chầm lấy anh, bật khóc nức nở:
“Chồng ơi, em nhớ anh lắm… hu hu hu…”

 

Kiếp trước, tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ còn được gặp anh nữa.

 

Dương Lực ngỡ ngàng ôm tôi, tay nhẹ nhàng vỗ lưng, mắt thì nhìn sang Dương Manh đầy khó hiểu. Hai cha con nhìn nhau, đều thấy buồn cười vì hành động đột ngột của tôi.

 

Khóc một trận thỏa thuê xong, thấy anh vẫn mang laptop về nhà, tôi xót xa bảo:
“Anh đã tăng ca cả ngày rồi, về còn làm tiếp, anh muốn kiệt sức luôn hả?”

 

Dương Lực đã ngoài bốn mươi, năng lực thì có, nhưng bản tính thật thà, không biết nịnh bợ luồn cúi nên suốt bao năm vẫn chỉ làm nhân viên quèn.


Ngày nào cũng tăng ca chưa đủ, về đến nhà lại tiếp tục làm tới khuya. Tóc bạc ngày một nhiều, tôi nhìn mà xót xa.

 

Tôi từng khuyên anh nghỉ ngơi một thời gian rồi tính tiếp, nhưng anh luôn nói:
“Anh tuổi này rồi, sao dám nghỉ việc? Nếu thất nghiệp, em với con biết sống sao?”

 

Nghĩ đến đây, tôi càng hận chính mình ở kiếp trước – đã dại dột đổ hết tiền của vào nhà mẹ đẻ, cuối cùng còn khiến chồng phải bỏ mạng.

 

Tôi lau nước mắt, dứt khoát ném luôn cái laptop qua một bên:
“Hôm nay không tăng ca gì hết! Mình đi ăn ngoài rồi đi shopping, mẹ muốn mua quà cho hai bố con!”

 

Nói xong tôi kéo họ ra khỏi nhà, không cho từ chối.

 

Tới trung tâm thương mại, tôi như biến thành người khác, không còn keo kiệt như trước nữa, toàn chọn những cửa hàng thương hiệu lớn.
Tôi mua cho Dương Lực quần áo mới, mua cho Dương Manh chiếc máy ảnh DSLR mà con bé mơ ước từ lâu cùng với một chiếc MacBook xịn.

 

Tôi cười tươi nói:
“Con gái, năm sau thi đại học xong, mẹ sẽ đưa cả nhà đi châu Âu chơi. Mình cùng nhau đi luôn!”

 

“Thật á mẹ? Con muốn đi Tây Ban Nha, con muốn ngắm Casa Milà! Con thích từ lâu lắm rồi!” – Dương Manh hét lên, giọng phấn khích đến run cả âm.

 

Dương Lực vòng tay ôm vai tôi, trêu chọc:
“Vợ ơi, sao hôm nay em hào phóng dữ vậy? Không cần lo tiền cho bên nhà nữa à?”

 

Tôi nhìn anh, nói nghiêm túc:
“Dương Lực, trước đây là em sai. Em xin lỗi anh. Em hứa từ giờ không bao giờ như vậy nữa.”

 

Dương Lực không ngờ tôi lại nói như thế, gãi đầu bối rối. Lúc đó, chúng tôi đi ngang một cửa hàng trò chơi điện tử, anh liền kéo tôi vào:
“Mấy trò chơi bây giờ thiết kế như thật luôn ấy. Công ty anh gần đây cũng nhận một dự án tương tự.”

 

Ông chủ cửa hàng hồ hởi tiếp đón, giới thiệu mẫu máy chơi game mới nhất.

 

Tôi nhìn lên màn hình đang chiếu thử một game nhập vai: nhân vật nhỏ đang cầm kiếm chiến đấu với quái vật — bỗng trong đầu tôi lóe lên một ý tưởng.

 

Tôi nhớ rất rõ — một năm sau, sẽ có một game mobile tên “Thiếu Niên Rồng” bùng nổ khắp toàn cầu, đánh bại cả loạt siêu phẩm, trở thành trò chơi có doanh thu cao nhất năm đó.

 

Mà người tạo ra nó – chỉ là một studio nhỏ có ba thành viên.

 

Sau này khi nổi tiếng, họ trả lời phỏng vấn rằng một năm trước còn đang nợ tiền nhà, đi gõ cửa khắp nơi tìm nhà đầu tư, chỉ cần 100.000 tệ để góp vốn — nhưng chẳng ai tin vào họ.

 

Nghĩ đến đây, tôi đập đùi đánh “bốp” một cái:
“Tôi tin các cậu mà!!”

 

Cả Dương Lực và Dương Manh đều bị tôi làm cho giật mình.

 

Tôi chẳng quan tâm gì nữa, kéo họ ra ngoài, kích động nói:
“Chồng ơi, em có một ý tưởng lớn! Anh khỏi cần làm thuê cho ai nữa rồi!”

 

Về đến nhà, tôi bảo Dương Manh lên phòng học bài, sau đó kéo Dương Lực vào phòng ngủ, còn khóa hết cửa sổ.

 

Cơ hội phát tài từ trên trời rơi xuống thế này, tuyệt đối không thể để người ngoài biết được!

 

Dương Lực thì đỏ mặt, ngượng ngùng:
“Ờ… cái này không tiện đâu, con chưa ngủ, nó lớn rồi mà…”

 

Tôi tức muốn đấm anh một cái:
“Anh nghĩ gì vậy? Em đang nói chuyện làm ăn kia kìa!”

 

Tôi kể cho anh nghe về nhóm lập trình viên trẻ đang tìm đầu tư, đảm bảo game của họ chắc chắn sẽ hot.

 

Thấy anh vẫn nghi ngờ, tôi cắn răng:
“Nói thật cho anh biết — em trọng sinh trở về từ tương lai. Một năm nữa, ‘Thiếu Niên Rồng’ sẽ bùng nổ, giờ đầu tư chắc chắn thu về gấp trăm lần!”

 

Tôi không giấu nữa. Lật bài luôn rồi!

 

Dương Lực nhìn tôi chằm chằm một lúc, rồi nghẹn ngào nói:
“Vợ ơi, chắc tại anh kiếm ít tiền quá, nên em mới nghĩ quẩn đến mức này…”

 

Tôi lật mắt trắng dã.

 

Để thuyết phục anh, tôi đi tìm ba thanh niên đó. Người đứng đầu tên là Thích Quân, chính là người sáng lập studio.

 

Chúng tôi cùng nghe họ trình bày toàn bộ ý tưởng thiết kế game “Thiếu Niên Rồng”.

 

Dương Lực vốn cũng là dân IT, vừa nghe vừa chơi thử, lập tức thấy tiềm năng, đồng ý đầu tư tại chỗ.

 

Ba người trẻ ấy sững người, chắc chưa từng thấy ai rút tiền đầu tư nhanh đến vậy, cứ cúi đầu cảm ơn rối rít, mắt của Thích Quân còn đỏ hoe.

 

Họ không biết rằng, chỉ một năm sau, “Thiếu Niên Rồng” sẽ tạo ra kỳ tích, họ sẽ trở thành huyền thoại trong giới game, nổi tiếng toàn quốc.

 

Còn tôi và Dương Lực?


Chỉ cần ngồi rung đùi, tiền cũng tự đổ vào tài khoản.

 

Sướng không chịu được.

 

Từ khi không còn bị chủ nợ bám theo, cũng không phải đổ tiền cho nhà mẹ đẻ nữa, kinh tế nhà tôi bỗng dưng dư dả hẳn.

 

Ở kiếp trước, khi trường Dương Manh tổ chức chuyến du học ngắn hạn nước ngoài, chi phí là 50.000 tệ. Vì tiếc tiền, tôi không cho con đăng ký.


Lớp có rất nhiều bạn được đi, con bé vì thế buồn mất một thời gian dài.

 

Lần này, còn chưa đến hạn nộp phí, tôi đã chủ động hỏi con mấy lần:
“Con yêu, chuyến học tập nước ngoài lần này khi nào đóng tiền? Mẹ chuẩn bị sẵn sàng rồi, mình đi nhé!”

 

Ban đầu, Dương Manh còn hơi ngơ ngác, nhưng vài ngày sau, con bé ôm cặp chạy về, mắt sáng rực như đèn:
“Mẹ ơi mẹ đúng là thần đó! Sao mẹ biết đúng lúc vậy?”

 

Tôi nháy mắt đầy thần bí, nửa đùa nửa thật:
“Vì mẹ là người… trọng sinh trở lại, nên cái gì mẹ cũng biết hết.”

 

Không ngờ Dương Manh chớp mắt rồi gật đầu cái rụp:
“Con biết ngay mà! Con đoán được từ lâu rồi!”

 

…Ơ con tin thật à?

 

 

Trong lớp Dương Manh có một gương mặt quen – Phương Vũ Sanh, chính là con bé cháu gái “cưng” của tôi ở kiếp trước.


Nghe nói Dương Manh được đi du học, nó nổi cơn tam bành.

 

Hôm đó lớp có tiết học bù nên tan trễ, khi tôi đến đón thì sân trường gần như vắng người.


Đang chờ con ở cổng, tôi chợt nghe có tiếng khóc nức nở khe khẽ từ góc tường gần đó, nghe rất quen tai.

 

“Con không cần biết! Dương Manh được đi thì con cũng phải được đi!”

 

Nghe thấy tên con mình, tôi lặng lẽ vòng lại phía sau – thì ra là Phương Vũ Sanh và mẹ nó, tức em dâu tôi.

 

Em dâu tôi đang dỗ:
“Sanh Sanh à, nhà mình giờ đầu tư hết vào việc kinh doanh rồi, đâu còn tiền cho con đi chơi nước ngoài chứ?”

 

Phương Vũ Sanh đập chân giận dỗi, nước mắt giàn giụa:
“Con không cam tâm! Từ nhỏ đến lớn, con ăn ngon mặc đẹp hơn nó, giờ sao nó được đi mà con không được đi?”

 

Em dâu đau lòng xót con, bực bội đáp:
“Tất cả là tại dì con đấy! Từ sau lần đó, bà ta không đưa đồng nào nữa! Bố con giờ thì kẹt tiền, cứ ôm chặt tiền như giữ mạng sống, bảo lần này nhất định phải kiếm bộn. Con cố nhịn chút đi.”

 

Từ nhỏ đến lớn, Phương Vũ Sanh luôn được cưng chiều, quen ngồi mát ăn bát vàng, quen được tôi thiên vị hơn cả con gái ruột.


Bây giờ lần đầu tiên bị lép vế, con bé tất nhiên không nuốt trôi cục tức, nhất quyết không chịu nhường.

 

Nó ngồi bệt xuống đất, vừa gào vừa giãy nảy, nhất định bắt mẹ nó chi tiền.

 

Lúc đó tôi cố ý ho một tiếng, làm hai mẹ con giật mình như bị sét đánh.

 

Tôi vờ như vừa đến nơi, nhã nhặn hỏi:
“Ơ kìa, trùng hợp thế. San San làm sao mà khóc sưng cả mắt vậy?”

 

Phương Vũ Sanh vẫn còn nhớ chuyện bị tôi mắng hôm trước, vừa thấy tôi liền quay mặt đi, coi như người xa lạ.

 

Tôi thì cứ cố tình chọc:
“Có phải vì chuyện chuyến du học không? Sanh Sanh à, con lớn rồi, nên hiểu chuyện hơn chứ. Ba mẹ làm ăn vất vả, không dễ gì đâu…”

 

Em dâu không nhịn được, cắt ngang tôi bằng giọng chua chát:
“Chị nói cái gì đấy? Ai nói nhà tôi không có tiền? Nhà tôi làm ăn lớn, năm chục ngàn thì đã là gì? Nhỏ nhen như chị thì không hiểu được!”

 

Vừa nói, cô ta vừa kéo Phương Vũ Sanh nhét lên xe ô tô riêng:
“Có người nghèo nên không dám mua xe, trời lạnh thế này mà con bé phải đứng ngoài chờ. À mà quên, nhà chị không có xe chứ gì? Haha!”

 

Nói xong, cô ta đạp ga phóng đi mất hút.

 

Thấy tôi vẫn đứng cười nhạt, Dương Manh vừa đi ra, vừa đeo cặp vừa thủng thẳng nói:
“Mẹ ơi, chắc dì quên là nhà mình cách trường có một ngã rẽ thôi, đi bộ mấy bước là về tới. Mình cần gì phải lái xe!”

 

Tôi phì cười:
“Ừ, mặc kệ họ. Lần này con đi chơi, nhớ mang theo máy ảnh, chụp nhiều ảnh đẹp về cho mẹ xem nhé.”

 

Dương Manh từ nhỏ đã rất mê nhiếp ảnh. Con bé có con mắt nghệ thuật thiên bẩm, cùng một chiếc điện thoại thôi nhưng ảnh nó chụp luôn có hồn và bố cục cực kỳ cuốn hút.

 

Chuyến du học lần này đi qua nhiều nước, vừa có cảnh thiên nhiên nên thơ, vừa có kiến trúc lịch sử hùng vĩ.

 

Kiếp trước, người được đi chính là Phương Vũ Sanh. Về nước, nó còn cố tình khoe ảnh với Dương Manh, khiến con bé nhìn mà chỉ biết ghen tỵ đến đỏ cả mắt. Nghĩ lại tôi vẫn thấy xót.

 

May mà kiếp này tôi được bù đắp.

 

Vừa đáp máy bay, Dương Manh đã nhắn tin báo tôi biết – Phương Vũ Sanh cũng đi, nhưng cả hành trình đều buồn thiu.


Mới hạ cánh đã phát sốt, nôn ói, tiêu chảy, nằm bẹp trên xe và khách sạn, không được ra ngoài ngày nào – coi như ngồi máy bay hơn chục tiếng chỉ để… du lịch nội thất.

 

Vài hôm sau, con bé gửi thêm tin nhắn:
“Mẹ ơi, con vừa chụp được một tấm hình đẹp siêu cấp! Về con sẽ cho mẹ xem đầu tiên!”

 

Mười ngày sau, Dương Manh về nước, tôi rốt cuộc cũng được thấy tấm ảnh ấy.

 

Trên nền trời xanh trong vắt như pha lê, tuyết trắng trải rộng như cát mịn, giữa khung cảnh ấy là một cái cây trơ trụi lá, đứng sừng sững, thân cành vươn ra như chẳng sợ gió tuyết.


Phía sau nó là mặt trời vừa mọc, vầng sáng nhè nhẹ tỏa ra quanh thân cây như một vầng hào quang dịu dàng.

 

Không hiểu sao, nhìn bức ảnh đó, lòng tôi run lên một nhịp, sống mũi cay xè.

 

“Mẹ cũng cảm động đúng không?” – Dương Manh nhẹ nhàng nói – “Lúc con chụp được khoảnh khắc ấy, con cũng muốn khóc, nên đã lấy máy ra bấm ngay.”

 

“Con gái mình giỏi ghê!” – Dương Lực ôm vai con, cười tự hào – “Bố sẽ nhờ người in bức ảnh này thật lớn, treo ở phòng khách luôn!”

 

Tôi sực nhớ đang có cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế đang mở cổng nhận bài, liền thay con đăng ký tham dự. Dù sao cũng thử xem sao.

Chương trước Chương tiếp
Loading...