Mệnh Cách Đảo Ngược
Chương 1
1
Lúc tôi về nhà lấy sổ hộ khẩu thì đúng lúc chạm mặt mẹ tôi. Thật ra, tôi chẳng muốn gọi bà là “mẹ”.
Thế kỷ 21 rồi, sống giữa thành phố lớn, nhà cũng không nghèo, nhưng bà ấy lại ghét tôi đến tận xương tủy.
Khi tôi còn nhỏ, nhà bên có người sinh con trai, bà về liền lấy kim châm tôi — toàn chọn chỗ kín người không thấy mà đ â m — vừa đ â m vừa mắng:
“Nếu không phải mày, tao đã có thể sinh con trai rồi! Tất cả là tại con tiện nữ mày!”
Lớn lên, có lần tôi bị thằng ngồi sau trường búng dây áo ngực, về nhà vừa khóc vừa nấc, mẹ cầm lon coca tới hỏi chuyện, tôi còn tưởng bà quan tâm.
Kết quả vừa kể xong, một bạt tai giáng thẳng lên mặt tôi:
“Con ch tiệt! Mày còn dám méc giáo viên! Làm liên lụy một thằng con trai ngoan ngoãn bị phạt!”
Thi xong đại học, mẹ mua cho tôi cái điện thoại hàng tàu năm sáu trăm nghìn, mặt còn cười tươi.
Tôi cứ tưởng bà vui vì điểm tôi cao, ai ngờ bà nói:
“ Tư Tư à, trên Douyin người ta bảo con gái học nhiều cũng vô ích. Mẹ tìm cho con chỗ tốt rồi, cưới chồng sớm, sinh con trai đi là vừa.”
Nghe tới đây tôi chỉ muốn ném cái bảng điểm top 1000 toàn tỉnh vào mặt bà.
Hôm tôi đi học, ba đưa tôi ra ga, móc móc túi mãi mới lấy được hai trăm nghìn.
“ Tư Tư, con tiêu dè sẻn nhé. Con biết mà, nhà mình mẹ con giữ tiền, ba cũng không có đồng nào đâu.”
Dối trá.
Nhà tôi, ai tiêu người nấy giữ, đặc biệt là ba tôi — lương tháng hơn mười triệu — rút ra được hai trăm là làm như ban ơn to tát.
Tôi nên hiểu từ sớm, ba mẹ tôi không phải chỉ yêu thích con trai. Họ yêu bất kỳ ai là con trai, bất kể của nhà nào.
Đáng tiếc là, sau khi sinh tôi, mẹ tôi có bầu liên tục hai lần, cả hai đứa đều mất khi chưa đầy một tuổi. Bà thử đủ thứ thuốc dân gian, vẫn không mang thai được.
Ba tôi sĩ diện hão, nhất định phải có con trai mới gọi là nối dõi tông đường. Vì thế, ông liên tục ra ngoài tìm đàn bà khác.
Còn mẹ tôi, lại cảm thấy mình nợ ông, nên chẳng dám hé răng nửa câu.
Hai kẻ thần kinh ấy đem hết mọi bất mãn trút lên đầu tôi.
Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng mặc đồ mới. Toàn là đồ cũ nhà bà con. Còn phải chịu đựng những lời chế nhạo như:
“ Tư Tư, biết không, ban đầu con tên là ‘Tư Nam’ đấy, sau có ông sư lang thang nói cái tên đó xấu quá, đặt thế lại phản tác dụng nên mới đổi.”
“Ơ kìa, Tư Tư, có phải tại mệnh con cứng quá không, nên mẹ con đến giờ vẫn chưa có được con trai?”
2
Tôi vốn không muốn về nhà, nhưng gần đây cần sổ hộ khẩu để mua nhà.
Vừa bước vào cửa đã nghe mẹ tôi nói:
“Đồ sao chổi về rồi à? Tao nói cho mày biết, mày đi lẹ đi. Tao vất vả lắm mới mang th ai được con trai, đừng có đến phá!”
Thảm thật, tôi còn định nói cho bà biết ba tôi vừa có con trai với người phụ nữ khác — còn gan lắm, đăng ảnh lên mạng chẳng thèm chặn tôi luôn kia kìa.
Nhưng cũng kỳ thật, bụng bà nhìn cùng lắm mới hai ba tháng, sao lại biết là con trai?
Lúc cầm được sổ hộ khẩu ra cửa, tôi nghĩ một chút rồi quay đầu lại nói:
“Lý Chiêu Đệ, đừng để mấy cái phương thuốc vớ vẩn lừa đấy.”
Vừa đóng cửa thì tôi thấy choáng váng, xuống cầu thang thì suýt ngã, may mà được một anh đẹp trai xuất hiện kịp lúc đỡ lấy.
“Thật thảm.”
Anh ta vừa nói vừa vỗ nhẹ lên vai tôi.
“Tôi là Tống Từ Nhiên. Bao nhiêu năm nay tôi chưa từng thấy nhà nào trói mệnh con cái kiểu này. Ê? Đấy là mẹ ruột của cô hả?”
Tống Từ Nhiên nói chuyện hơi thần bí, nhưng với tôi thì… chẳng lạ. Vì Lý Chiêu Đệ muốn có con trai, người nào bà ta chưa từng lôi về?
“Ờ, mẹ ruột đấy. Không coi bói, không có tiền.”
“Không coi bói, không cần tiền. Tôi chỉ là người tốt bụng thôi, muốn giúp cô. Cô chưa biết đâu — mẹ cô đã trói mệnh cô với cái th ai trong bụng bà ta rồi. Nói đơn giản là, đứa bé đó đang hút sinh khí của cô để lớn lên.”
“À, còn nữa, mệnh cách của cô cũng bị đổi thành con trai rồi, khiến sức khỏe cô yếu dần.”
Giọng điệu Tống Từ Nhiên rất bình thản, nhưng lại khiến tôi nổi hết da gà.
Không phải không có lý — tôi chợt nhớ ra, một năm trước từng nghe Lý Chiêu Đệ gọi điện nói:
“Đúng đúng, là con ruột tôi đấy. Như vậy càng linh nghiệm hơn đúng không? Được, thầy à, tôi nhất định phải có con trai.”
3
“Tôi phải tin anh vì lý do gì?”
Tống Từ Nhiên thở dài:
“Về quê cô một chuyến đi?”
Nhà tôi ban đầu không ở thành phố A mà là một cái thôn nghèo hẻo lánh. Ở đó vẫn còn đang trong thời kỳ "mua vợ về làm dâu".
Sau khi sinh tôi, ba tôi — một kẻ mù chữ — bỗng nhiên được ông chủ lớn chú ý, rồi dẫn cả nhà lên thành phố lớn.
Mẹ tôi thì nhờ "cứu" được một ông già mà đổi đời. Ông đó không con không cháu, chỉ kịp mở mắt viết di chúc để lại hai căn nhà cho bà rồi ch luôn trong bệnh viện.
Tôi từng nghe dì hàng xóm nói chuyện với Lý Chiêu Đệ về ông già ấy. Khi đó bà ta mặc đồ Chanel, đi giày cao gót, giọng đầy giễu cợt:
“Chậc, lúc đó tôi cũng đâu có định cứu ổng. Không hiểu sao lúc ấy đầu óc như bị mất kiểm soát, tỉnh lại thì đã đưa ông ấy đến bệnh viện rồi.”
Tôi và Tống Từ Nhiên trải qua máy bay, tàu cao tốc, tàu hoả, xe buýt, cuối cùng là ngồi xe kéo mới về tới quê.
Lâu lắm không về, mọi thứ đều xa lạ.
Vừa vào làng đã thấy người ta đập đập xây xây, nhà nào cũng phủ vải đỏ. Trưởng thôn thấy tôi thì ngạc nhiên lắm, nhưng vẫn nhận ra.
“ Tư Tư? Về rồi à?”
“ Cháu dẫn bạn về chơi thôi. Trưởng thôn, đang có chuyện gì thế ạ?”
“À, nhà ông Lâm vừa ‘mua’ một cô sinh viên đại học về.”
Nếu không phải Tống Từ Nhiên kéo tôi lại thì tôi đã chửi um lên rồi.
Anh ta còn mặt dày xã giao với trưởng thôn:
“Trưởng thôn, cho bọn cháu đi loanh quanh xem chút nha.”
Tôi hít sâu một hơi:
“Tống Từ Nhiên, anh không nghe rõ hả? ‘Mua’ một sinh viên đại học. Mua về làm gì? Làm vợ! Mua kiểu gì? Lừa!”
“Thì sao? Cô đánh thắng được bọn họ à?”
Cũng phải.
Anh ta vừa nói xong tôi cũng tỉnh ra, vội lấy điện thoại gọi cảnh sát — nhưng kỳ lạ là không gọi đi được.
“Đừng gọi nữa, tối mình qua xem.”
Buổi tối, nhà ông Lâm náo nhiệt như hội. Tống Từ Nhiên cứ thế kéo tôi theo, còn mặt dày tới mức nói với trưởng thôn:
“Trưởng thôn ơi, Tư Tư muốn qua xem cô sinh viên một chút.”
“Đi đi.”
Lúc xoay người đi, tôi còn nghe dân làng thì thầm với trưởng thôn:
“Liệu có sao không?”
“Lo gì, lúc trước nhà ông Trần không phải cũng làm vậy sao?”
4
Khi bước vào căn phòng nơi cô nữ sinh đang ở, tôi mới nhận ra cô ấy không hề mặc váy cưới, mà là một chiếc váy đen, mặt đờ đẫn như mất hồn.
Điều nực cười nhất là… không ai canh chừng cả. Nhưng như vậy lại càng dễ cho tôi hành động.
“Tôi đưa cậu đi.”
Cô nữ sinh ngẩng đầu nhìn tôi một cái.
“Tại sao phải đi? Tôi vốn dĩ là người trong làng này.”
Giọng cô ấy nhạt như nước ốc, chẳng có chút cảm xúc nào. Tôi còn định nói thêm thì bất chợt cảm thấy tim như bị ai bóp chặt, nhói lên dữ dội.
Tống Từ Nhiên đỡ lấy tôi, đồng thời quay sang nói chuyện với một bà lão vừa bước vào.
“Bà ơi, đây là con dâu nhà họ Lâm sao?”
Bà lão kia giọng lạnh lạnh rờn rợn:
“Con dâu? Cô gái này mệnh quý lắm, làm con dâu thì phí quá.”
Thấy tôi liếc nhìn, bà lão nở nụ cười.
“Phải không, Tư Tư?”
Câu ấy vừa thốt ra, tim tôi càng đau hơn. Tống Từ Nhiên vẫn đỡ tôi, vừa vỗ vỗ lên vai bà ta:
“Bà ơi, bà lớn tuổi là đúng rồi, nhưng chưa ch đâu. Tôi đứng sờ sờ ở đây, bà đang nói gì vậy?”
Nói xong, bà ta hơi lùi lại, giọng cũng trở nên bình thường:
“Con bé này là sinh viên trường danh giá đấy. Từ cái thôn nghèo mà thi được ra ngoài, mệnh tốt.”
Bà ta nhấn mạnh hai từ “mệnh tốt”.
Chưa kịp kết thúc vụ hỗn loạn này, Tống Từ Nhiên đã kéo tôi quay về. Tôi còn chưa hỏi làm sao anh ta biết nhà tôi ở đâu, thì anh ta đã mở lời:
“Thật ra tôi từng đến đây rồi. Lúc còn nhỏ, theo sư phụ tới. Khi ấy nhà cô còn chưa chuyển đi. Cô lúc đó còn bé xíu.”
Anh ta vừa nói, trong đầu tôi bỗng hiện lên chút ký ức. Hồi bé đúng là có một ông già thần thần bí bí từng đến ở nhà tôi vài ngày, đi cùng là một cậu bé nhỏ.
Tôi vẫn nhớ có một hôm ông ấy gọi tôi vào phòng, xoa đầu tôi, hỏi:
“Tư Tư, con có muốn ra ngoài xem thế giới không?”
Tôi không rõ cái làng loạn này kéo dài bao lâu. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi quyết kéo Tống Từ Nhiên lên thị trấn báo công an.
Nữ sinh tối qua chắc chắn là bị đ e d o ạ!
Nhưng vừa mở cửa thì tôi đã thấy cô ta — người vẫn mặc váy đen đó — nhe răng cười ngu ngơ với tôi:
“Tư Tư về rồi à?”
Tối qua bà già kia đúng là gọi tôi là “Trần Tư Tư”, nhưng giờ cô nữ sinh kia lại nói câu đó là sao?
Ra đến cổng làng, tôi gặp đứa cháu trai nhỏ của nhà họ Lâm. Thằng bé cầm quyển sách, vừa thấy tôi đã hỏi:
“Chị cũng là sinh viên đại học à?”
“Ừ.”
5
Tôi và Tống Từ Nhiên vẫn quyết định đi báo án. Vừa bước ra khỏi đồn công an thì tôi nhận được cuộc gọi của thầy hướng dẫn.
“Tư Tư à, trong viện vừa bàn lại rồi. Cuộc thi đổi mới sáng tạo lần này viện quyết định không để em tham gia nữa nha. Bọn thầy xem qua mấy đề án của sinh viên khác rồi, cũng thấy khá ổn. Với lại, Tư Tư em cũng tham gia nhiều cuộc thi rồi, sau này tốt nghiệp có mấy cái ghi trong CV cũng đẹp lắm.”
“Cho bạn khác một cơ hội đi ha.”
Vì đề án đó, tôi cùng mấy bạn đã chỉnh sửa suốt mấy hôm liền. Lúc nộp, chính miệng thầy còn nói:
“Tư Tư, đề án em làm tốt lắm. Chắc chắn có giải.”
Vậy mà giờ lại báo tin kiểu này, tôi sao mà cam lòng được?
Nhưng rõ ràng, thầy chỉ đang “thông báo”. Tôi còn chưa kịp nói gì thì thầy đã dập máy.
Tống Từ Nhiên lúc này đang mặc cả giá xe với một chú tài xế để về huyện. Thấy sắc mặt tôi không tốt liền hỏi:
“Sao thế? Bắt đầu gặp chuyện không vui rồi à? Đừng lo, thứ thuộc về cô thì cuối cùng cũng là của cô.”
Chú lái xe chắc thuộc dạng nhiều chuyện, lải nhải cả đường. Thấy tụi tôi không mấy quan tâm thì chợt hạ giọng, làm ra vẻ thần bí:
“Hai cô cậu có biết cái làng tên là... ‘thôn Phát Tài’ không?”
Thôn Phát Tài chính là quê cũ của tôi. Thấy chú có vẻ biết gì đó, tôi lên tiếng:
“Biết chứ. Sao vậy chú?”
Chú lái xe giảm tốc độ, hạ giọng:
“Cái làng đó... tà lắm. Quên mất bao nhiêu năm rồi, nhưng hồi đó có một nhà sinh được đứa con gái. Không ưa nó lắm, nhưng lúc đầu vẫn nuôi lớn. Chỉ là con bé sống khổ.”
“Sau đó thì khó khăn chồng chất, nhà đó lại mất hết lương tâm. Lúc con bé ấy đã lớn, đáng lẽ nên gả đi hoặc bán đi, nhưng không — nhà đó thẳng tay ném nó xuống giếng cho ch đuối!”
Tống Từ Nhiên nghe tới đây có vẻ hứng thú, lấy ra điếu thuốc, đưa cho chú:
“Sau đó thì sao?”
“Sau đó hả? Từ đó thôn Phát Tài đổi vận, phong thuỷ tụt dốc. Cô nhìn xem, giờ nghèo rớt mồng tơi là biết.”
Lúc xuống xe, tôi vẫn còn nhớ câu cuối chú nói:
“À mà này, nghe đâu cái nhà ném con gái xuống giếng ấy... họ Trần.”
Nhưng cả cái thôn Phát Tài ấy, chỉ có mỗi nhà tôi họ Trần.