"Cảm ơn bạn đã đọc truyện tại Tân Mộng. Nếu thấy hay, bạn có thể ủng hộ editor bằng cách click vào link Shopee dưới đây. Việc ủng hộ là hoàn toàn tự nguyện. Xin cảm ơn!"
Bình Minh Sau Đêm
Chương 3
8
Đến nước này rồi, tôi ngược lại lại thấy may mắn vì bố mẹ chẳng buồn đoái hoài gì đến mình.
Sự lạnh nhạt ấy, ở một mức độ nào đó, lại trao cho tôi quyền tự do và kiểm soát lớn nhất trong cuộc đời.
Tôi dần tìm lại hy vọng cho tương lai, ngày ngày đọc sách học hành, chăm chỉ đi làm kiếm tiền tích góp.
Tôi không vội trả thù những kẻ từng làm tổn thương mình.
Bởi hiện tại tôi còn quá yếu, chỉ có thể cắn răng nhẫn nhịn, chờ ngày lật ngược thế cờ.
Nhưng trên con đường trở nên mạnh mẽ, luôn có kẻ muốn làm hòn đá cản bước.
Hôm đó tan ca, tôi ở lại văn phòng của Chu Đạt dùng máy tính một lát, thành ra về hơi muộn.
Vừa về đến ký túc xá đã nghe tiếng gào thét của Phùng Việt.
Chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo ra sao, cô ta đã lao tới, chỉ thẳng vào mặt tôi hét:
“Có phải mày trộm đồng hồ của tao không!”
Tôi còn chưa kịp phản ứng, cô ta đã xổ một tràng chửi bới:
“Chắc chắn là cái thứ tay chân không sạch sẽ như mày rồi! Tao đã nghe kế toán Lộ nói, mày bị trường đuổi học vì trộm cắp, giờ đổi chỗ rồi lại ngứa tay phải không hả!?”
Tôi sững người trong giây lát.
Không ngờ dì hai tôi sớm đã đem chuyện “xấu xa” năm đó của tôi rêu rao khắp nơi.
“Tôi không trộm.” Tôi bình thản đáp.
Bộ dạng không chút cảm xúc của tôi càng khiến cô ta nổi trận lôi đình, lập tức túm lấy cổ áo tôi, lôi tôi ra ngoài.
“Còn không chịu nhận hả? Vậy thì để tôi dắt mày đi gặp giám đốc xưởng, cho mọi người biết mày là thứ gì!”
Tiếng ồn ào khiến cả dãy nhà ký túc xá nháo nhào nhô đầu ra hóng chuyện.
Thời này chưa có điện thoại thông minh, những màn “kịch hay” thế này chính là thú vui giải trí được ưa chuộng nhất.
Chẳng mấy chốc, một đám đông nam nữ đã bu lại bên ngoài ký túc xá.
Tôi vùng tay, hất mạnh cô ta ra.
Phùng Việt như bị sỉ nhục nặng nề, chỉ tay vào tôi mà mắng chửi, càng lúc càng khó nghe.
Cuối cùng, tiếng cãi vã cũng khiến ban quản lý nhà máy phải mò tới.
Tôi thấy Chu Đạt mặc áo ba lỗ, chân đi dép lê, vội vã chạy đến.
“Cãi nhau cái gì đấy hả!?” Anh gắt gỏng quát lên.
Khi thấy tôi đứng giữa đám đông, anh hơi sững lại.
“Có chuyện gì thế?” Anh bước tới, sắc mặt nghiêm trọng.
“Cô ta tay chân không sạch sẽ, ăn trộm của tôi...”
“Có ai hỏi cô chưa!?” Chu Đạt quát lớn.
Phùng Việt bị dọa im bặt.
Anh quay sang tôi.
“Cô ta mất đồng hồ, nói là em trộm.” Tôi nhìn thẳng vào mắt anh, giọng kiên định. “Em vừa mới về ký túc, không trộm.”
Anh nhìn tôi, im lặng vài giây.
Ánh đèn lờ mờ, tôi chỉ thấy đáy mắt anh sâu như mặt hồ lặng.
Từ đầu đến cuối tôi vẫn rất bình tĩnh, chỉ có khoảnh khắc im lặng đó mới khiến tôi bắt đầu lo lắng.
Liệu anh có giống những người khác, không tin tôi? Liệu anh có thất vọng về tôi không? Liệu…
“Cô ấy không trộm.” Chu Đạt quay sang Phùng Việt.
Khoảnh khắc ấy, tôi nghe thấy một tảng đá nặng nề rơi bịch xuống lòng.
“Ai biết có phải cô ta trộm thật không!” Phùng Việt hét lên. “Cô ta đi sớm về muộn, vừa tan ca đã biến mất tăm, mãi mới chịu quay lại ký túc, ai biết được có phải nhân lúc vắng người quay về trộm đồ rồi mang đi bán hay không!?”
Tôi lạnh sống lưng.
Phùng Việt thật biết tính toán.
Thời gian tôi không có mặt ở ký túc đều là ở cùng Chu Đạt. Nếu anh ra mặt làm chứng, lời đồn giữa tôi và anh coi như bị phơi bày; nếu không lên tiếng, suy luận của cô ta rất dễ khiến người ta tin tưởng.
Cho nên…
“Đồng hồ cô bao nhiêu tiền?” Chu Đạt bỗng cất tiếng.
Phùng Việt ngẩn ra: “Năm trăm.”
Năm trăm tệ, thời điểm này quả thật là món đồ giá trị.
“Cô mất khi nào?” Anh hỏi tiếp.
“Tối nay, chiều vẫn còn.”
Anh liếm răng hàm, lạnh nhạt nói:
“Giờ tôi sẽ dẫn người lục tung ký túc của các cô. Nếu tìm được đồng hồ mà chứng minh không phải cô ấy trộm, cô phải xin lỗi cô ấy, và bồi thường một ngàn.”
Tất cả mọi người đều hít mạnh một hơi.
Một ngàn tệ, đối với công nhân bọn họ, chẳng phải con số nhỏ.
Phùng Việt gân cổ cãi: “Được!”
Rồi hỏi lại: “Vậy nếu đúng là cô ta trộm thì sao?”
Chu Đạt đã xoay người đi về phía ký túc xá, nghe vậy liếc cô ta một cái, giọng lạnh tanh:
“Không có khả năng đó.”
9
Ký túc xá chật hẹp, các bạn cùng phòng bắt đầu lấy hết hành lý ra.
Ngoài cửa chen chúc những cái đầu hóng chuyện.
Tất cả các tủ đều bị mở tung, dưới ánh mắt âm trầm của Chu Đạt, không ai dám thắc mắc nửa câu.
Người anh mang đến lần lượt kiểm tra từng ngóc ngách, không bỏ qua bất kỳ chỗ nào.
Tôi đứng yên lặng bên cạnh, từ đầu đến cuối không nói một lời.
Kinh nghiệm cho tôi biết, khả năng tìm được là vô cùng nhỏ, cuối cùng chuyện này có lẽ cũng chìm xuồng. Dù Chu Đạt có tin tôi, thì người khác ngoài mặt không nói gì, nhưng trong lòng chắc chắn vẫn mặc định tôi là kẻ trộm.
Kiểu lạnh nhạt, xa lánh như thế, tôi đã phải chịu đựng suốt nửa năm ở trường học.
Trong phòng là tiếng lục lọi loảng xoảng, ngoài cửa là những tiếng thì thầm to nhỏ.
Tựa như giữa tôi và thế giới này xuất hiện một lớp màn, ánh mắt và lời bàn tán đều trở nên mờ nhòe, cả cơ thể tôi như rơi vào một vũng bùn lạnh lẽo.
Tối đen, ngột ngạt, bất lực...
"—Tìm thấy rồi!"
Một tiếng hô to vang lên như tia sáng xuyên thủng màn đêm đặc quánh.
Tất cả trước mắt tôi dần rõ ràng trở lại.
Tôi chậm rãi bước tới.
Mọi người hăng hái bàn tán, kể lại cách họ tìm được chiếc đồng hồ trong khe sau tủ như thế nào.
Sắc mặt Phùng Việt trắng bệch.
Chu Đạt cụp mắt, trông vừa uể oải vừa mất kiên nhẫn.
"Được rồi, đồ tìm được rồi. Câu cô vừa hứa, không quên đấy chứ."
"Phải... xin lỗi..."
Phùng Việt quay sang tôi, mắt đỏ hoe, sắp khóc đến nơi:
"Bây giờ tôi không có nhiều tiền thế... cô có thể cho tôi khất vài tháng được không, đến lúc đó..."
"Không cần." Tôi lạnh nhạt ngắt lời.
Như thể dốc hết sức lực cuối cùng.
Dưới ánh mắt kinh ngạc của mọi người, tôi xoay người bước qua đám đông.
Chu Đạt đuổi theo tôi ở con hẻm bên hông xưởng.
"—Đứng lại đó cho tôi!" Anh kéo mạnh cánh tay tôi lại.
"Ông đây mẹ nó là đang giúp em đấy! Không biết cứng rắn một chút à!? Không dạy dỗ nó một trận, lần sau nó lại— Em... em khóc gì thế?"
Tôi cúi đầu, muốn ngăn nước mắt trào ra.
Nhưng không thể khống chế nổi, từng giọt từng giọt rơi xuống.
Tôi lau loạn một cái.
"Xin lỗi..."
Tôi ngẩng đầu nhìn anh: "Cảm ơn anh."
Anh chỉ mặc chiếc áo ba lỗ trắng, lộ cánh tay rắn chắc, xương quai xanh đẹp mắt và bắp ngực lờ mờ.
Không khí như nóng lên mấy độ.
Tôi vội vàng dời ánh mắt đi.
Anh bỗng lại gần, giọng trầm khàn, đầy gợi cảm:
"—Vậy em định cảm ơn anh kiểu gì, hả bé con?"
Tôi lập tức ngẩng phắt đầu.
.
Dưới ánh đèn đường xa xa, trong con hẻm mờ tối, tôi không thấy rõ vẻ mặt anh, chỉ thấy đôi mắt anh sáng rực như phát sáng.
Hơi thở của anh dường như nặng nề thêm mấy phần.
"—Có ai từng nói với em, đừng dùng ánh mắt đó nhìn một người đàn ông chưa?"
Giọng anh trầm khàn đến mức khiến mặt tôi "bùm" một tiếng đỏ bừng.
Khi bầu không khí mờ ám đạt đến đỉnh điểm, Chu Đạt bỗng lùi lại nửa bước, gõ nhẹ lên đầu tôi.
"—Lần này ghi sổ trước. Sau này từ từ tính với em."
Nói xong, anh sải bước rời đi, dáng đi như một tên đầu gấu vừa ra oai.
Tôi đứng nguyên tại chỗ rất lâu, đến khi mặt đỏ bừng mới dần tan đi.
Quay về ký túc, không khí im lặng đến mức đáng sợ.
Phùng Việt thấy tôi là òa khóc:
"—Lộ Khả, xin lỗi, tất cả là lỗi của tôi, cô giúp tôi nói vài lời với ông chủ Tiểu Chu đi, đừng để anh ấy đuổi tôi, tôi còn em trai em gái phải nuôi, công việc này thực sự rất quan trọng với tôi!"
Tôi khựng lại: "Chu Đạt muốn đuổi cậu sao?"
Cô ta khóc rồi gật đầu.
Tôi nhìn cô gái đang khóc đến hoa lê đoái vũ trước mặt, chợt nhớ đến kết cục thê thảm của cô ta ở kiếp trước.
Nếu rời khỏi nơi này, có lẽ cô ta sẽ tìm được một cuộc đời khác.
Tôi lạnh nhạt trèo lên giường.
"—Đó là quyết định của anh ấy, tôi không can thiệp được."
Đêm dài lê thê.
Tiếng nức nở của cô gái hòa cùng ánh trăng ngoài cửa sổ, như một giấc mộng dài không thể tỉnh.
Mãi đến lúc trời sáng.
10
Sau khi Phùng Việt rời đi, không ai dám bắt nạt tôi nữa.
Nhưng đồng thời, lời đồn về tôi và Chu Đạt lại lan nhanh hơn.
Nào là “vì hồng nhan mà nổi giận”, nào là “chỉ để đổi một nụ cười giai nhân”, ngày càng hoang đường.
Sự việc ầm ĩ như vậy, đương nhiên cũng tới tai dì hai tôi.
Nhưng bà ta là người khôn khéo, không hỏi tôi trực tiếp mà “tốt bụng” đi kể với mẹ tôi.
Không biết nguyên văn bà nói thế nào, nhưng từ mấy câu mẹ tôi nói với tôi, tôi đoán được bảy tám phần.
Hôm đó là cuối tuần, nhà máy nghỉ làm.
Tôi định ở lại học bài, rồi tiện thể trao đổi vài thứ với Chu Đạt.
Ai ngờ bị mẹ tôi đột ngột đến thăm làm đảo lộn cả kế hoạch.
Bà ấy mặc váy lụa tơ tằm, đeo chuỗi ngọc trai, đứng ngay cửa ký túc, mặt đầy vẻ ghét bỏ.
Thật ra nhà tôi không phải nghèo, nhưng từ nhỏ đến lớn, mỗi lần chi tiền cho tôi, họ đều làm mặt nặng mày nhẹ.
Sự không vui đó dần ăn sâu trong tôi thành mặc cảm, khiến tôi cứ tưởng mình nợ họ, và rồi ngày càng cam chịu.
Tôi chưa từng nghĩ rằng: nuôi dạy con cái là trách nhiệm của họ.
“Lộ Khả.” Bà cau mày gọi, “Ra ngoài một chút.”
Tôi mặt không cảm xúc bước theo.
Bà ta nhìn tôi từ đầu đến chân: “Lĩnh được lương chưa?”
Chia xa gần hai tháng, không hỏi thăm lấy một lần, mà câu đầu tiên khi gặp lại lại là tiền lương.
Tôi cười.
“Cười gì?” Bà ấy khó chịu.
“Lương có phát hay không, liên quan gì đến mẹ?” Tôi bình thản đáp.
Bà ấy lập tức nổi giận: “Tao là mẹ mày!”
Giờ mới nhớ ra à?
Ý thức được mình thất thố, bà ấy ho nhẹ mấy tiếng, giọng trở nên lạnh lùng:
“Đừng tưởng tao không biết chuyện của mày! Dì hai mày nói hết với tao rồi! Tưởng mình bám được kẻ có tiền thì dám chống đối cha mẹ hả? Cả cái xưởng đều biết cái thói đời hắn rồi, chỉ có mày là ngu ngốc coi như báu vật mà dính lấy! Tao nói cho mày biết, nếu mày dám làm chuyện gì khiến cái nhà này mất mặt, tao đ á n h gãy chân mày!”
Bà ấy đỏ mặt tía tai, như thể đã nắm chắc phần thắng.
Có lẽ nghĩ rằng tôi vẫn sẽ yếu đuối, cam chịu như trước.
Nhưng tôi chỉ lặng lẽ nhìn bà, như thể người ngoài cuộc.
“Tao đang nói chuyện với mày đó! Nghe chưa? Cách xa hắn ra! Đừng để tao nghe thêm lời đồn nào nữa!”
“Không.”
Tôi mặt không cảm xúc.
“Mày nói gì?!”
“Tôi nói không thể.”
Hành lang ký túc rất yên tĩnh.
Dù giọng chúng tôi không lớn, vẫn có người tò mò thò đầu ra nhìn.
Bà ấy sĩ diện, mặt đỏ bừng, không nói thêm gì.
Chỉ để lại một câu “Đợi bố mày đến dạy lại mày!”, trừng mắt một cái rồi rời đi.
Cả ngày hôm đó, tôi đều nghĩ về chuyện ấy.
Liệu họ có thật sự sẽ quay lại không? Khi đó, sẽ xử lý tôi thế nào?
Lôi tôi về thẳng?
Ở nhà máy này, không phải chưa từng xảy ra chuyện như vậy.
Có những đứa con lén bỏ nhà đi, rồi bị bố mẹ từ quê kéo tới bắt về tận nơi.
Cả quá trình, chẳng ai dám xen vào.
Với tình cảnh hiện tại của tôi, con đường duy nhất tôi có thể nghĩ đến, chính là: rời khỏi nơi này cùng Chu Đạt, bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới.
Nhưng... anh ấy định khi nào rời đi?
Chiều hôm đó, tôi vẫn như thường mang sách đến tìm anh.
Anh đang gõ mã, tôi không làm phiền, chỉ yên lặng ngồi bên đọc sách.
Đợi đến lúc anh nghỉ tay, tôi mới hỏi:
“Anh đang viết gì vậy?”
“Một đơn hàng.” Anh vươn vai, “Kiếm ít thu nhập ngoài.”
Thì ra anh đã bắt đầu nhận dự án từ sớm như vậy.
“Anh còn phải học, có làm nổi không?” Tôi hỏi.
Anh ngả người tựa vào ghế, nhướng mày:
“Nghi ngờ tôi hả?”
“Không.”
Không khí trầm mặc vài giây.
Tôi vô thức dùng ngón tay gẩy nhẹ vào viền quần.
Khẽ mở miệng:
“Nếu một ngày nào đó…”
“Hử?” Anh nhìn tôi.
“Nếu một ngày nào đó anh phải rời đi… nhất định phải nói với em.”
Anh sững người.
“Rời đi đâu?”
“Đi đâu cũng được.”
Ánh mắt anh sững lại một lát, rồi khẽ cười:
“Sao? Sợ tôi bỏ trốn à?”
… Có thể hiểu vậy.
“Ừm.” Tôi gật đầu.
Anh giơ tay búng nhẹ trán tôi.
“Yên tâm, anh đây không chạy đâu.”
Anh nheo mắt, giống hệt một con cáo già đầy mưu mô:
“Tiểu Lộ Khả.”