Bà Đây Chán Anh Rồi
Chương 1
1.
Sinh nhật lần thứ 5 của con gái, tôi như thường lệ đến trường mẫu giáo đón con.
Vừa nhìn thấy con, tôi đã khựng lại.
Con bé mặc một chiếc váy công chúa Disney mới toanh.
Không phải bộ đồ tôi mặc cho con lúc sáng, cũng không phải bộ dự phòng tôi để sẵn trong balo.
“Manh Manh, bộ váy này mẹ chưa thấy bao giờ nha.” Tôi mở lời dò hỏi.
“Đẹp không mẹ?”
Con bé xoay một vòng trước mặt tôi, khoe chiếc váy mới.
“Đẹp lắm.” Tôi gật đầu khen ngợi rồi thử thăm dò, “Ai mua cho con vậy?”
Con bé cười láu lỉnh, “Bí mật đó~”
Nói xong thì tung tăng chạy đi.
Không có được câu trả lời mình mong, lòng tôi bỗng dâng lên cảm giác bất an mơ hồ.
Hôm đó cả nhà hẹn nhau ra nhà hàng tổ chức sinh nhật cho Manh Manh.
Chồng tôi – Tạ Gia Minh – đi đón bố mẹ chồng, còn tôi bắt taxi đưa con tới trước.
Trên đường đi, cô giáo chủ nhiệm gửi loạt ảnh chụp ngẫu nhiên của học sinh vào nhóm lớp.
Tôi xem hết một lượt.
Manh Manh chỉ xuất hiện trong ảnh buổi sáng.
Tôi thấy lạ, liền nhắn hỏi cô giáo thì được biết: khoảng mười giờ sáng, chồng tôi đến đón con rời khỏi trường, đến tận hai giờ chiều mới đưa con trở lại.
Hơn hai năm nay con đi học, chưa từng có chuyện như vậy xảy ra.
Tôi lập tức gọi cho Tạ Gia Minh, hỏi anh hôm nay có xin nghỉ cho Manh Manh không.
“Có,” anh trả lời thản nhiên, “Sinh nhật con gái mà, đưa con đi mua bộ đồ mới thôi.”
Giọng điệu chẳng có kẽ hở, nên tôi cũng tạm gác nghi ngờ sang một bên.
Tôi đặt sẵn chiếc bánh sinh nhật vị socola – món mà Manh Manh yêu thích nhất.
Nhưng con chỉ ăn được vài miếng rồi đặt nĩa xuống.
“Sinh nhật mà, ăn nhiều tí cũng không sao, đừng lãng phí.” Mẹ chồng nhẹ nhàng khuyên.
Con bé lén liếc tôi một cái, nói:
“Mẹ nói ăn nhiều đồ ngọt sâu răng đó~”
Tôi nghe mà lòng đầy cảm động.
Tối hôm ấy, sau khi sấy tóc cho con xong, tôi vào phòng tắm rửa mặt.
Chồng tôi ở lại đọc truyện cổ tích cho con nghe.
Lúc đánh răng xong, tôi mới nhớ máy sấy tóc vẫn để trong phòng ngủ phụ.
Vừa định đẩy cửa vào lấy, tôi bất ngờ nghe thấy tiếng họ thì thầm bên trong.
“Bố ơi, có hai mẹ thật tuyệt.”
Giọng Manh Manh ngọt ngào, mềm mại như kẹo bông.
Tôi còn chưa kịp hiểu rõ ý con, thì đã nghe chồng tôi hỏi lại:
“Nếu chỉ được chọn một mẹ, Manh Manh sẽ chọn ai?”
Ý tứ câu hỏi đó rõ ràng đến đau lòng.
Tôi đứng chec lặng trước cửa, tim đập dồn dập, nín thở lắng nghe.
“Trẻ con không chơi trò chọn lựa đâu ạ, con muốn cả hai!”
Con nói không chút do dự.
“Đúng là cô nhóc tham lam!” Giọng chồng tôi đầy yêu chiều.
Phòng vang lên tiếng họ cười đùa vui vẻ.
Rồi anh hạ giọng dặn dò:
“Manh Manh, đây là bí mật của hai bố con mình, không được để mẹ biết đâu nhé.”
“Okie~” Con bé lại líu lo đồng ý, “Lần sau gặp mẹ mới, con vẫn được ăn bánh socola chứ?”
“Dĩ nhiên rồi, muốn bao nhiêu cũng được.” Chồng tôi đập tay với con…
Chỉ mấy câu đối thoại ngắn ngủi đó,
Nhưng tôi đã xâu chuỗi lại được toàn bộ sự việc của hôm nay.
Mười giờ sáng, chồng tôi – Tạ Gia Minh – cùng “mẹ mới” trong lời con gái đến trường đón Manh Manh.
Họ đưa con đi mua váy, rồi cho con ăn thật nhiều bánh socola.
Sau đó đến tận hai giờ chiều mới đưa con về trường.
Nghe giọng điệu của con, có vẻ con rất thích người phụ nữ kia.
Thậm chí, có lẽ hai người đã gặp nhau nhiều lần trước đó…
Bỗng nhiên, chiếc điện thoại tôi để trên giường rung lên.
Tâm trạng hỗn loạn, tôi quay về phòng cầm điện thoại.
Là một cuộc gọi từ số lạ.
“Xin chào?” Tôi lựa chọn bắt máy.
Đầu dây bên kia yên lặng một cách kỳ lạ, không có tiếng động nào.
Tôi cau mày hỏi:
“Xin hỏi ai vậy?”
Đối phương vẫn im lặng. Vài giây sau, cuộc gọi bị cúp ngang.
Tôi siết chặt điện thoại trong tay.
Bỗng dưng… tôi như bừng tỉnh mọi chuyện.
2
Đêm đó, tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được.
Sự phản bội của Tạ Gia Minh đã gần như là sự thật không thể chối cãi, thậm chí tôi cảm nhận được anh ta đang có ý định ly hôn.
Vì có Manh Manh, tôi không muốn đẩy mọi chuyện đến bước đường ly hôn.
Nhưng tôi buộc phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất – thậm chí là giành thế chủ động trước khi anh ta mở lời chia tay.
Đặc biệt là… quyền nuôi con.
Chỉ là, một người như tôi – đã ở nhà ba năm trời chăm con, gần như cắt đứt liên hệ với xã hội – thì làm gì còn phần thắng?
Tôi lăn qua lăn lại mãi vẫn không ngủ được, liền quen tay mở ngăn kéo, lấy ra một lọ thuốc.
Nhìn thấy cái tên thuốc kia, một kế hoạch âm thầm hình thành trong đầu tôi…
Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm.
Làm bữa sáng, rồi cẩn thận là phẳng áo sơ mi, phối đồ chỉn chu cho Tạ Gia Minh như thường lệ.
Ngày nào đi làm anh ta cũng tiện đường đưa Manh Manh đến trường mẫu giáo.
Sau khi hai bố con ra khỏi nhà, tôi lập tức đến một văn phòng luật có tiếng – tuy hơi xa nhà – để làm tư vấn ly hôn.
Để tránh để lại dấu vết, tôi thanh toán bằng tiền mặt.
Rồi tôi gọi về cho bố mẹ đang sống ở Hải Thành, nhờ họ gửi lên một ít cua hoàng đế, tôm hùm Úc và cá hoàng đế tự nhiên – mấy món khoái khẩu của Tạ Gia Minh.
Tất nhiên, tôi có “dụng ý riêng”, nên tuyệt đối không dùng tiền của mình.
Bố mẹ không hỏi nhiều, nhanh chóng đồng ý.
Vài hôm sau, đồ ăn hải sản được gửi đến. Ngoài những món tôi đặt đích danh, họ còn gửi thêm vài thứ nữa.
Tôi chọn ra một phần, rồi đưa cùng Manh Manh sang nhà ông bà nội, nhờ họ trông cháu giúp một ngày.
Họ vui vẻ nhận lời.
Tôi nhắn tin cho Tạ Gia Minh, kèm ảnh chụp lồng hấp đầy hải sản:
“Bố mẹ gửi hải sản lên, anh có muốn về ăn tối không?”
Anh trả lời cụt lủn:
“Không chắc, bận.”
Hai năm nay, anh ta luôn viện cớ đủ kiểu “tiệc tùng – xã giao” để tránh về nhà ăn cơm.
Tôi không bỏ cuộc, tiếp tục nhắn:
“Manh Manh nhớ con chó Teddy ở nhà nội, nay sẽ ngủ bên đó.”
“Nghĩ lại, chúng ta hình như cũng đã lâu rồi không có một buổi tối riêng tư chỉ hai người nhỉ.”
Cuối dòng, tôi giả vờ buông một câu cảm thán như vô tình.
Anh ta không trả lời nữa.
Đúng bảy giờ tối, tôi dọn hết số hải sản thịnh soạn ra bàn ăn.
Lúc vừa định quay vào bếp lấy dao, thì nghe thấy tiếng cửa mở – Tạ Gia Minh đã về.
Tôi lập tức tươi cười chào đón, “Anh về rồi à? Mau rửa tay ăn cơm.”
Tôi đánh cược vào ba thứ:
Một là cơn nghiện hải sản của anh ta,
Hai là chút áy náy mơ hồ anh ta dành cho tôi,
Ba là… chút tình cảm cuối cùng còn sót lại sau mười năm hôn nhân.
May thay – tôi thắng.
Tạ Gia Minh ngồi xuống bàn, tôi lập tức dọn phần cua và tôm đã gỡ vỏ sạch sẽ đặt trước mặt anh ta.
“Không cần đâu, em ăn đi.” Anh ta đẩy lại.
“Em gỡ cho anh mà.” Tôi dịu giọng, “Trước đây chẳng phải anh cũng thường làm vậy cho em sao?”
Anh ta không từ chối nữa.
Hải sản nhiều muối, ăn xong thường khát nước.
Tôi đưa ra một ly nước gừng mật ong ấm – bên trong đã nghiền sẵn một viên eszopiclone.
Vị cay của gừng đủ mạnh để che đi vị đắng nhẹ của thuốc.
Anh ta uống hết.
Tối hôm đó, anh ta ngủ rất sớm.
Tôi như ý lấy được điện thoại, mở khóa bằng vân tay của anh ta.
3.
Vừa mở WeChat, một tin nhắn chưa đọc lập tức hiện ra:
【Tạ Gia Minh, anh thật sự dám cho tôi leo cây?!】
Người gửi được lưu tên là “ZM”, ngữ khí hừng hực lửa giận.
Tôi tim đập thình thịch, lập tức bấm vào xem.
Phía trên còn mấy dòng anh ta đã đọc nhưng chưa trả lời:
【Khách hàng đó tôi có thể cho anh, cũng có thể cho người khác!】
【Đừng quên ai là người đưa anh lên được vị trí này.】
【Lần sau muốn chọc tôi giận, trước tiên xem lại anh có tư cách gì!】
Tôi lạnh toát tay chân.
Mấy năm nay, điện thoại là vật bất ly thân của Tạ Gia Minh – đến cả lúc đi tắm cũng phải mang theo.
Lý do anh ta đưa ra là “sợ lỡ cuộc gọi từ khách hàng quan trọng”.
Hóa ra là… sợ tôi phát hiện.
Tôi cố giữ bình tĩnh, lướt lại đoạn chat từ đầu.
Mấy năm nay, tôi vì con vì nhà mà chẳng bao giờ can thiệp vào công việc hay xã giao của anh ta.
Một phần là bận, phần còn lại là vì tin tưởng.
Anh ta có lẽ cũng thấy yên tâm, nên chưa bao giờ xóa lịch sử trò chuyện.
Nhờ đó, tôi lần ra được mọi bí mật giấu kín.
Họ đã qua lại suốt ba năm.
Lúc đầu, anh ta gọi cô ta là “Tổng Giám đốc Triệu”, cô ta gọi anh ta là “Tiểu Tạ” – mối quan hệ thuần túy giữa khách hàng và người bán hàng.
Cô ta mời anh ta đi gặp khách mấy lần, lấy lý do mở rộng mối quan hệ – anh ta đều đi.
Từ hai năm trước, cô ta bắt đầu gọi anh ta là “Bảo Bối”.
Anh ta từng từ chối, nói mình đã có gia đình, rất yêu vợ con, còn gửi ảnh Manh Manh cho cô ta xem.
Cô ta khen con bé dễ thương, giống anh ta, xinh như hoa.
Nhưng chuyện đó chẳng làm thay đổi gì.
Cô ta tiếp tục tặng anh ta thắt lưng LV, túi COACH, kéo đi hội họa, dạ tiệc…
Thậm chí còn giới thiệu khách VIP cho anh ta, giúp anh ta vượt chỉ tiêu – thăng chức vèo vèo.
Cuối cùng, anh ta không chống lại được cám dỗ, dần dần thay đổi giọng điệu.
Gọi cô ta là “ Mạn Mạn ”, là “cục cưng”, nghe lời răm rắp.
Cả chai nước hoa nam mùi nhẹ nhàng mà anh ta hay dùng, cũng là vì cô ta thích.
Họ thân mật tới mức… không cần nói cũng hiểu.
Cô ta như một đóa anh túc độc – khiến anh ta đắm chìm không thoát ra nổi.
Những đêm gọi là “tăng ca” của anh, thật ra đều là ở bên cô ta.
Dưới sự thao túng của người đàn bà đó, Tạ Gia Minh thậm chí đã bước qua ranh giới pháp luật, gây ra sai lầm không thể cứu vãn…
Chiếc điện thoại ấy, như một tấm gương yêu ma, phản chiếu sự thật trần trụi nhất về người đàn ông tôi từng tin tưởng.
Xem xong tất cả, tôi mới nhận ra mình ngây thơ và ngu ngốc đến mức nào.
Tôi biết được nguồn gốc những món đồ xa xỉ anh ta dùng.
Hiểu vì sao anh ta cứ khăng khăng phải mua xe sang.
Hiểu vì sao anh ta đạt được “giang sơn trong tay”.
Thậm chí… hiểu vì sao anh ta không còn động vào tôi nữa.
Tôi từng nghĩ anh ta là người tài năng, chăm chỉ, xứng đáng được ngưỡng mộ.
Nhưng tất cả “vinh quang” ấy… lại là dẫm lên thân xác đàn bà mà có được.
Ngay cả Manh Manh – đứa con tôi mang nặng đẻ đau – cũng chỉ là công cụ để anh ta lấy lòng tình nhân.
Buồn cười nhất là, trong mối quan hệ đó, anh ta chẳng khác gì một kẻ làm công,
Đánh mất khí phách đàn ông, không còn chủ kiến, chỉ là một món hàng phụ thuộc vào người khác mà thôi.