Anh Phản Bội, Tôi Phản Công

Chương 1



1

 


Tôi do dự mãi cuối cùng vẫn lén xem điện thoại của bạn trai, đúng lúc có tin nhắn WeChat bật ra:

"Chiếc túi này em thích lắm, cảm ơn anh yêu."

 

Tôi bấm vào khung trò chuyện, người kia còn gửi kèm một tấm ảnh.

 

Đó là chiếc túi phiên bản giới hạn mới nhất của một thương hiệu xa xỉ, giá năm con số.

 

Tôi từng nhắc đến chuyện muốn mua, nhưng Tống Thời chỉ thản nhiên nói phải tiết kiệm trả tiền nhà, khiến tôi dẹp luôn ý định.

 

Tôi thật không thể tưởng tượng nổi, một người tiết kiệm đến keo kiệt như anh ta, lại có thể sẵn lòng bỏ tiền mua món đồ này tặng người khác.

 

Tôi và Tống Thời quen nhau ở phòng gym, anh ấy là huấn luyện viên thể hình của tôi.

 

Tuy vẻ ngoài không nổi bật, nhưng thân hình thì cực kỳ săn chắc. Ban đầu tôi đúng là động lòng trước thân hình cơ bắp vạm vỡ ấy mà nảy sinh ý đồ.

 

Sau hai tuần học thử, tôi chủ động bật đèn xanh, không bao lâu sau liền xác lập quan hệ yêu đương, rồi nhanh chóng được Tống Thời mời về sống chung.

 

Khi ấy, tôi ngỡ đó là dấu hiệu mối quan hệ chúng tôi tiến thêm một bước, hớn hở dọn về nhà anh – dù nơi ấy xa công ty tôi hơn rất nhiều.

 

Người thân xung quanh ai cũng can ngăn, nói tôi với anh không môn đăng hộ đối.

 

Tôi là quản lý cấp cao trong một công ty Internet, thu nhập cả năm mấy trăm triệu, còn anh chỉ là huấn luyện viên thể hình, thu nhập có khi chưa bằng phần lẻ trong tiền thưởng của tôi.

 

Thế nhưng khi đó tôi đã đắm chìm trong tình yêu, còn cãi lại bạn thân:

"Cậu đừng nói người ta không ra gì được không, Tống Thời có nhà có xe đàng hoàng, lại còn rất có chí tiến thủ."

 

Nói thì hay đấy, nhưng nhà của anh ta là bố mẹ lo tiền đặt cọc, mỗi tháng anh phải tự mình trả nợ vay mua nhà.

Còn chiếc xe kia, tôi đến giờ cũng hiếm khi được ngồi. Bao lần mưa gió nhờ anh đưa đi làm, anh đều kiếm cớ từ chối, lúc thì nói có việc ở công ty, lúc lại bảo sếp cần dùng xe.

 

Tống Thời – nếu nói hay ho thì gọi là tiết kiệm, nói thẳng ra chính là keo kiệt.

 

Và cái sự keo kiệt đó len lỏi vào mọi ngóc ngách trong đời sống chung – từ tiền điện nước cho tới mỗi bữa ăn ngoài, đều là tôi trả.

 

À không, cũng có một ngoại lệ – đó là khoản ăn mặc của chính anh ta.

 

Đối với bản thân thì anh chưa bao giờ qua loa. Lý do? "Vì công việc cần ăn diện để dễ bán khóa học."

 

Sau khi yêu nhau, tôi từng mua vài bộ đồ tặng anh, nhưng anh chẳng mấy hài lòng:

"Em chỉ biết mua mấy đồ rẻ tiền nội địa, nhìn chẳng ra gì cả."

 

Anh còn kể, huấn luyện viên trong phòng gym khác đều được bạn gái mua cho LV, Gucci…

 

Anh cũng không đòi tôi mua mấy hàng hiệu đó, chỉ cần đừng mua mấy đồ rẻ rách làm anh mất mặt là được.

 

Sau một hồi giằng co, mấy bộ quần áo tôi đã cất công chọn cho anh đành phải đem trả lại.

 

Dĩ nhiên, những chuyện này là sau khi sống chung tôi mới dần phát hiện ra.

 

Dù những lời của anh khiến tôi không vui, tôi vẫn cho rằng đó là những vấn đề nhỏ.

 

Yêu nhau thì phải nhẫn nhịn, phải hòa hợp – ai mà không có tật xấu?

 

Tiết kiệm chút, sĩ diện tí cũng không phải tội lỗi gì lớn. Biết chi tiêu hợp lý thì mới gọi là biết sống.

 

Sau khi sống chung, Tống Thời hay chỉ trích quan niệm tiêu dùng của tôi, nói tôi sa đà vào "chủ nghĩa tiêu dùng".

 

"Em phải biết tính cho tương lai, giờ em kiếm được nhiều thật, nhưng ai biết sau này có việc gì cần tiêu tiền hay không. Cưới xin cũng tốn kém lắm đó."

Anh vừa ôm tôi vừa dạy đời đầy nghiêm túc.

 

Tôi không buồn tranh luận, lười nghe thuyết giáo, chỉ ậm ừ cho qua:

"Biết rồi biết rồi, sau này tiền nhà để em trả, anh thì dành dụm tiền của anh lại."

 

Nghe tôi nói thế, Tống Thời lập tức nở nụ cười tươi rói, cúi đầu hôn tôi:

"Tư Tư, em thật tốt."

 

Tôi nghĩ đã là sống cùng thì không nên quá tính toán tiền bạc với nhau.

 

Chỉ không ngờ, Tống Thời chỉ keo kiệt với mỗi mình tôi – còn với người khác, anh ta lại vung tiền như rác, hào phóng đến kinh người.

 

Chỉ một cái túi như vậy thôi, chắc cũng đủ đốt sạch nửa năm lương của anh ta rồi.

 

 

Cộng thêm mấy khoản chi tiêu trước đó, tôi cũng chẳng rõ số tiền mà Tống Thời keo kiệt tích góp kia có đủ để lấp cái hố này không.

 

Mà nhìn cái tên quen thuộc đang nhắn tin mập mờ với Tống Thời trên màn hình điện thoại – Giang Hân, tôi chỉ thấy nực cười.


Thỏ còn không ăn cỏ gần hang, ai ngờ Tống Thời lại đi một con đường khác người, chuyên chọn “cỏ gần nhà” mà gặm.


Giang Hân là phó tổng mới được điều về bộ phận tôi công tác cách đây nửa tháng, cũng chính là cấp trên trực tiếp của tôi.


Trước đó vị trí phó tổng này để trống vì người tiền nhiệm được điều đi nơi khác

 

Tôi làm việc cũng không tệ, dẫn dắt nhóm hoàn thành mấy hợp đồng lớn, lãnh đạo từng bóng gió nói cuối năm sẽ cân nhắc đề bạt tôi.

 

Nào ngờ cơ hội chưa kịp tới tay đã bị người khác nẫng mất. Thất vọng thì có, nhưng tôi cũng không nghĩ nhiều – năng lực thật sự mới là thứ quyết định ai ngồi vào đâu.

 

Nghe đâu cô ta từng du học châu Âu, có bằng cấp cao.


Tuy vậy, sau lưng vẫn không tránh khỏi mấy lời xì xào:

“Các cậu biết vì sao Phó tổng Giang tuổi còn trẻ mà đã ngồi được vị trí đó không?”

 

“Còn sao nữa, học vấn người ta cao mà.”

 

“Xì, cậu còn trẻ quá, biết đâu trong đó có khúc mắc gì mà người ngoài không biết được.”

 

Nghe mấy lời này là biết có chút ghen ghét, hiển nhiên không ai trong phòng hoan nghênh Giang Hân cho lắm.

 

Lúc ấy tôi vừa bước ra khỏi phòng vệ sinh, nghe thấy đoạn hội thoại này. Nghĩ một lúc, để tránh xấu hổ, tôi quyết định đứng nán lại một lát, đợi họ rời đi rồi mới vào rửa tay.

 

Mấy chuyện đồn đại kiểu này, xưa nay tôi chẳng mấy khi để tâm. Mà có để tâm thì cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ thêm phiền.

 

Vừa về đến văn phòng chưa được bao lâu thì có người gõ cửa.


Là thực tập sinh đến báo – Giang tổng muốn họp nội bộ.

 

Tôi đến phòng họp nhỏ, ngồi xuống thì mọi người gần như đã đông đủ, chỉ thiếu mỗi Giang Hân.

 

Dù không phải lần đầu gặp, tôi vẫn không nhịn được mà cảm thán – đúng là ông trời thiên vị, Giang Hân thực sự là một mỹ nhân.

 

Chỉ là… không biết có phải ảo giác hay không, tôi luôn cảm thấy cô ta có gì đó như địch ý với mình.

 

Cuộc họp ban đầu chỉ xoay quanh tiến độ dự án, tôi cứ tưởng chỉ là buổi họp thông thường, cập nhật công việc rồi giải tán.

 

Ai ngờ gần cuối cuộc họp, Giang Hân lại nhìn tôi rồi nói:

“Dự án chị đang làm dở giao cho nhóm khác đi, chị chuyển sang phụ trách dự án mới.”

 

Tôi lập tức từ chối, lên tiếng tranh luận:

“Dự án này bọn tôi bỏ công sức rất lâu, sao có thể nói giao là giao?”

 

Giang Hân không vội không vàng, chỉ thản nhiên nhìn tôi:

“Đây là sắp xếp của công ty. Là nhân viên thì nên phục tùng.”

 

Ý tứ rất rõ ràng – dù biết là quyết định vô lý, tôi cũng phải nghe theo.

 

Cả phòng họp im phăng phắc như thể có thể nghe được tiếng kim rơi.

Mọi người không ai dám lên tiếng, bầu không khí căng đến nghẹt thở.

 

Thấy tôi không chịu nhượng bộ, Giang Hân liền bảo các thành viên khác rời đi.

 

Chờ mọi người ra gần hết, cô ta mới quay sang tôi:

“Cho người mới chút cơ hội đi. Tôi biết năng lực chị mạnh, nhưng nếu chị cứ ôm hết vào người, cấp dưới của chị mãi không ngóc đầu lên nổi, rồi họ cũng sẽ bất mãn thôi.”

 

Lời này nghe xong chỉ thấy buồn cười. Tôi nhíu mày, trong lòng hiểu rõ – cô ta muốn thị uy, cho tôi một đòn phủ đầu.

 

Tôi cứ nghĩ việc này đến đây sẽ kết thúc bằng sự nhượng bộ của mình.

Thế nhưng, chẳng bao lâu sau tôi lại phát hiện – đồng nghiệp trong nhóm bắt đầu xa lánh tôi.

 

Chuyện bắt đầu từ việc quý vừa rồi nhận được tiền thưởng, tôi muốn mời mọi người đi ăn một bữa coi như cảm ơn vì đã cùng nhau cố gắng.

 

Nào ngờ, ai cũng nói bận – người thì bảo có hoạt động bố mẹ – con ở trường mẫu giáo, người thì nói ông bà trong nhà sinh nhật.

Nói chung, chẳng ai đến.

 

Một hai người thì có thể coi là trùng hợp, chứ cả nhóm đều viện cớ thế này thì không khỏi đáng nghi quá mức.

 

Tôi đâu phải ngốc. Cuối cùng, tôi gọi một cậu thực tập sinh hiền nhất trong nhóm lại, hỏi thẳng:


“Em nói thật cho chị biết, rốt cuộc có chuyện gì mà hôm nay ai cũng bận như vậy?”

 

3

 

Cậu thực tập sinh mới tốt nghiệp năm nay, tính cách hiền lành thật thà.

Bị tôi truy hỏi đến cùng, cậu ta trông như sắp khóc đến nơi.

 

Tôi phải nhiều lần cam đoan sẽ không nói với ai khác, cậu ta mới run run mở miệng:

“Là… Giang Hân mời cả phòng đi ăn tối ạ… nhưng lại không báo cho chị biết.”

 

Nghe xong, tim tôi chùng xuống, chỉ cảm thấy chuyện này thật nực cười.

 

Cậu thực tập sinh mặt đầy hoảng loạn, lắp bắp:

“Chị ơi, chị làm ơn đừng nói là em kể nhé—”

 

Tôi cười khổ gật đầu.

Chuyện thế này, chẳng lẽ tôi còn đi tìm người ta đối chất cho bõ tức?

 

Xem ra linh cảm của tôi không sai: Giang Hân thực sự ghét tôi, thậm chí muốn cô lập tôi.

 

Còn những đồng nghiệp đã làm việc cùng bao năm, lại chọn cách hùa theo, cũng khiến tôi lạnh lòng.

 

Chỉ là… tôi với Giang Hân trước nay chưa từng gặp mặt, sao cô ta lại nhắm vào tôi như vậy?

 

Tan làm, nhìn các đồng nghiệp lần lượt chào tạm biệt tôi như thường lệ, tôi chỉ thấy buồn cười.

 

Người cuối cùng rời công ty sau tôi là Giang Hân, trước khi đi còn gõ cửa phòng tôi:

“Đừng làm việc quá sức, về sớm nghỉ ngơi đi.”

 

Mọi người ai cũng đang đóng kịch.

 

Tôi cũng cười gượng gật đầu, đợi họ đi hết mới chống trán thở dài, cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

 

Lúc này màn hình điện thoại sáng lên, là tin nhắn từ Tống Thời:

“Tối nay bên phòng gym tụi anh có tiệc, anh không về ăn cơm đâu.”

 

Tôi cau mày.

 

Dạo này Tống Thời bận hơn hẳn, suốt ngày đi tổ chức sự kiện, phát tờ rơi, bán khóa học ở trung tâm thương mại.

Về đến nhà cũng là nửa đêm, tắm xong là ngủ ngay.

 

Trước kia dù có mệt mấy, anh vẫn ráng trò chuyện với tôi vài câu.

Còn bây giờ, hễ hỏi là viện cớ: nào là áp lực, nào là phòng gym làm ăn không tốt, nói chưa được hai câu đã ngáy khò khò.

 

Nhưng dù sao cũng là công việc, tôi cũng hiểu anh vất vả.

Dù tâm trạng tôi lúc ấy cũng chẳng khá khẩm gì, vẫn cố gắng nhắn lại một chữ “Ừ”, dặn anh đừng uống nhiều quá, nhớ về sớm.

 

Đêm đó, tôi đã ngủ khi Tống Thời về. Tiếng mở cửa đánh thức tôi dậy, tôi đẩy cửa phòng thì thấy anh say khướt nằm vật ra ghế sofa, người toàn mùi rượu.

 

Tôi gọi anh dậy đi rửa mặt, anh cũng ừ hử đồng ý, chưa được vài phút đã vang lên tiếng ngáy đều đều.

 

Tôi không lay nổi anh, đành lấy chăn đắp cho rồi để anh nằm luôn ở sofa.

 

Sáng hôm sau dậy đi làm, Tống Thời vẫn còn ngủ, tôi cũng không gọi.

 

Đứng nhìn người đàn ông nằm co quắp trên ghế sofa, tôi không nhịn được bật cười khổ.

Chúng tôi… giờ giống như hai người bạn cùng nhà.

 

Đến công ty, mọi người vẫn giả bộ như không có chuyện gì xảy ra.

May mà hôm nay Giang Hân không đi làm, tôi cũng đỡ phải gượng gạo giả lả.

 

Gần cuối giờ, tôi nhận được điện thoại của Tống Thời.

Anh nói tối nay về muộn, bảo tôi không cần đợi.

 

Tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều, chỉ “ừ” rồi tắt máy.

 

Về đến nhà thì thấy phòng khách bừa bộn, áo sơ mi trắng và quần của Tống Thời vứt lăn lóc trên ghế sofa.

 

Vì Tống Thời luôn tự tay giặt đồ, còn tôi thì quen dùng máy giặt, nên từ trước đến nay quần áo hai đứa vẫn giặt riêng.

 

Nhưng để nguyên đống đồ dơ như vậy thì tôi thật sự nhìn không nổi.

 

Hôm nay tan làm cũng không bận gì, tôi đành tốt bụng gom đồ của anh mang đi giặt tay.

 

Đang giặt được một nửa, trong túi quần của Tống Thời rơi ra một thỏi son.


Tôi sững người.

 

Vặn mở nắp ra… đây không phải son mới.

Rõ ràng là một thỏi son đã dùng rất nhiều lần.

 

Vậy nên, nó không phải quà anh định tặng tôi.

 

Tôi cũng rất chắc chắn – đây không phải son của tôi, vì tôi chưa bao giờ dùng loại son này.


Đột nhiên, tôi nhớ lại một buổi chiều cách đây không lâu…


Giang Hân từng luống cuống tìm một thỏi son trong văn phòng, nói đó là cây son cô ta thích nhất – đột nhiên không thấy đâu.

 

 

Chương tiếp
Loading...