Mệnh Giao Long Phượng

Chương 4



Ta chẳng rõ Mộ Duệ kiếm đâu ra cả một đống sách, rồi nghiêm trang nói với ta rằng: “Thân là Thái tử phi, nàng cần phải đọc sách nhiều hơn.”

 

Thấy chàng đã nói vậy, ta bèn thuận theo đọc vài quyển. Có sách sử, có cả truyền kỳ dân gian, đều thú vị vô cùng.

 

Cho đến một ngày nọ... ta phát hiện trong số đó có một cuốn — à không, là một loại sách khác thường.

 

Loại sách mà thuở nhỏ từng bị phụ thân ta vứt đi sau khi lỡ đọc phải. Ta lúc ấy còn nhặt về, bị tiểu nương quở phạt một trận nhớ đời.

 

Ta lén lút xem qua vài trang, suýt chút nữa bị doạ chết, sợ hãi nhét vội trở lại chỗ cũ.

 

Ấy vậy mà lòng vẫn cứ muốn... vụng trộm lấy ra xem thêm lần nữa.

 

Bởi lẽ, đó là một thế giới hoàn toàn mới mẻ mà ta chưa từng chạm tới.

 

Những ngày sau đó, trước lúc đi ngủ, Mộ Duệ thường như vô tình nhắc đến:

 

“Đống sách kia nàng đừng vội mang đi. Nghe nói toàn là loại hay cả đấy. Ta chưa kịp xem, nàng có đọc không?”

 

Ta sớm đã dọn lại mọi thứ, sắc mặt không đổi, trả lời điềm nhiên: “Thiếp chưa xem.”

 

“Vậy cũng tốt. Rảnh thì nên đọc thêm.”

 

Chàng lại ôm ta vào lòng ngủ, thỉnh thoảng hôn nhẹ lên má, mực thước vô cùng.

 

Thế nhưng chàng rõ ràng biết, lòng ta... sớm đã không còn thanh tịnh.

 

Thoắt cái, Tam hoàng tử Mộ Tuân cùng Dư Tư Nguyệt, cũng thành thân.

 

Hoa viên trong cung cảnh sắc hữu tình. Mộ Tuân ngồi trên xe lăn, được Dư Tư Nguyệt đẩy đi.

 

Nhìn cảnh ấy, ta bỗng nhớ đến lời nàng ta từng mỉa mai ta năm xưa, không ngờ hôm nay ứng vào chính thân nàng ta.

 

Mộ Tuân chân tật đã đành, còn Dư Tư Nguyệt quen làm đích nữ cao cao tại thượng, vừa thấy ta đã không hành lễ, lại còn châm chọc:

 

“Muội muội nhập cung rồi, trông cũng đầy đặn hơn hẳn. Lúc phụ thân tìm được muội ở núi, gầy đến mức như que củi vậy.”

 

Mộ Tuân như thể nghe được chuyện cười lớn nhất đời mình, nổi giận đập tay vào xe lăn:

 

“Ngươi nói gì? Đệ muội từng sống trong núi? Con gái nhà lành sao có thể ở nơi hoang dã? Truyền ra ngoài thì mặt mũi Thái tử để đâu?”

 

Ta chỉ nhàn nhạt cười, từ từ lấy ra một túi thơm:

 

“Hôm ta về phủ thăm nhà, tỷ nhất quyết đưa cái túi thơm này cho Thái tử. Chàng ngại từ chối, đành nhận. Vừa về tới phủ, liền ném lại cho ta như thể thứ gì dơ bẩn.”

 

Dư Tư Nguyệt thoắt chốc tái mặt, không nói nên lời.

 

“Xem đi, túi thơm này thêu uyên ương, tam hoàng huynh đeo nó liệu có thích hợp? Đường kim mũi chỉ giống y như tỷ thêu.”

 

Sắc mặt Mộ Tuân biến thành gan heo, siết chặt tay đến nổi gân xanh.

 

Một nữ tử bên cạnh mỉa mai: “Phụ hoàng đã hạ chỉ ban hôn, ngươi còn mơ mộng dây dưa với ngũ đệ à?”

 

Dư Tư Nguyệt hoảng hồn, vội quỳ xuống.

 

Ta chẳng buồn ở lại, để lại túi thơm rồi quay người rảo bước rời đi.

 

Chạy về điện Thái tử, ta hớn hở kể lại đầu đuôi cho Mộ Duệ nghe.

 

Mộ Duệ mặc áo lụa màu lam nhạt, ngồi bên cửa sổ có hoa hải đường, tay chậm rãi pha trà, ung dung tự tại.

 

Ta ríu rít kể hết mọi chuyện, chàng nghe rất chăm chú, còn giơ ngón cái khen ta làm rất tốt.

 

Ta cũng cảm thấy mình làm chẳng tệ chút nào.

 

“Quy Vãn, nàng thật khiến người ta vừa lòng.”

 

“Vừa lòng điều chi cơ?”

 

“Nàng toàn tâm toàn ý tin tưởng ta, ngày nào cũng vui vẻ, có gì cũng muốn kể với ta đầu tiên.”

 

Ta ôm lấy cổ chàng, mỉm cười: “Thiếp vui là vì có chàng bên cạnh. Trên đời này, thiếp từng hết lòng tin tưởng đúng hai người — một là tiểu nương, hai là chàng.”

 

Ánh mắt chàng khẽ trầm xuống, tay ôm eo ta cũng lặng lẽ trượt xuống một chút.

 

“Thế thì nàng cũng là đồ tiểu lừa gạt.”

 

“Rõ ràng đọc rồi mà còn dám chối.”

 

Bị chàng vạch trần, ta cũng không giấu nữa, bày ra bộ mặt “chó chết không sợ nước sôi”, đáp lại thản nhiên: “Đọc không hiểu.”

 

Khóe môi chàng nhếch cao hơn: “Không hiểu thì hỏi ta, ta sẽ dạy từng chút một.”

 

“Dạy từ từ làm gì...” Ta ngại ngùng nép vào lòng Mộ Duệ “Dạy hết luôn cũng được, thiếp học rất nhanh đấy.”

 

Yết hầu Mộ Duệ khẽ động: “Vậy nàng phải cẩn thận, kẻo chịu không nổi.”

 

Nói rồi, chàng bế bổng ta lên, ôm vào phòng ngủ.

 

A... sao có thể như vậy được...

 

Mộ Duệ lại như rót mê dược vào tai, thì thầm bên tai ta: “Nàng chẳng muốn có bảo bảo sao? Muốn thì phải làm thế này.”

 

Ta trốn trong chăn, mặt đỏ tợn, không dám ló ra.

 

Ta thì sống trong mật ngọt, còn Dư Tư Nguyệt bên kia thì chẳng được yên lành.

 

Nghe nói Tam hoàng tử thường ra tay đánh nàng, đến nỗi tay chân tím bầm.

 

Ta bèn cố ý để Tiểu Thúy xuất cung truyền lời cho phụ than.

 

Phụ thân không có chiếu ban mà không thể vào cung, chỉ có thể lo lắng ở nhà.

 

Tuy nhiên, ông là quan đầu triều, lời nói có trọng lượng. Sau vài lần vào cung cầu xin Tam hoàng tử, ban đầu đối phương còn hứa hẹn, mấy ngày sau đã lại ra tay.

 

Phụ thân tức giận, quay sang đầu quân cho Thái tử, nói rằng nguyện dốc lòng vì Mộ Duệ.

 

Mộ Duệ hỏi lại: “Nếu là Quy Vãn bị ức hiếp, phụ thân sẽ cam lòng để nàng chịu khổ sao?”

 

Phụ thân vội nói: “Tất nhiên là không.”

 

“Vậy khi Quy Vãn chịu khổ ở phủ cũ, phụ thân lại chẳng hề đoái hoài là cớ làm sao?”

 

Phụ thân cứng họng. Lời ấy truyền đến tai Tam hoàng tử, hắn nổi giận mắng ông là đồ trở mặt.

 

Vốn dĩ phủ thừa tướng là miếng bánh thơm, ai ai cũng muốn kéo về phe mình, nay lại thành kẻ không ai cần đến.

 

Hoàng đế nhìn rõ mọi chuyện. Ông vốn ghét hoàng tử kéo bè kết cánh, nên rất hài lòng với cách làm của Thái tử.

 

Tam hoàng tử mất đi sự hậu thuẫn, Quý phi tức giận, tát hắn mấy cái rồi lại đổ hết tức giận lên đầu ta.

 

Bà cho rằng chuyện túi thơm khiến mối quan hệ giữa Tam hoàng tử và Dư Tư Nguyệt rạn nứt.

 

Một ngày nọ, bà mời ta đến cung dùng bữa.

 

Từ xa đã ngửi thấy mùi thịt dê, Quý phi ăn mặc trang trọng, tay cầm đũa ngồi trước bàn, trước mặt là một nồi lẩu bốc khói nghi ngút.

 

Bà ta gắp miếng thịt, mỉm cười: “Thịt dê này ngon lắm, Thái tử phi có muốn nếm thử không?”

 

“Nghe nói con dê này có chỏm lông đen trên trán, lúc bị giết còn kêu thảm thiết lắm cơ.”

 

Là con dê ta từng nuôi trên núi!

 

Trước khi rời đi, ta đã thả ba con dê, hy vọng chúng được sống tự do nơi núi rừng. Nào ngờ lại bị Quý phi bắt được.

 

Bà dùng con dê để thị uy với ta, ngầm ám chỉ rằng bà đã điều tra được thân thế ta không trong sạch, không phải khuê tú nuôi trong khuê phòng.

 

Lòng ta đau như cắt. Con dê đó mới chỉ một tuổi, từng mang đến cho ta biết bao niềm vui.

 

Quý phi chờ đợi biểu hiện mất bình tĩnh của ta, ánh mắt sâu thẳm.

 

Ta đè nén nỗi đau, khẽ nói:

 

“Nương nương, thịt dê đó e rằng bị nhiễm bệnh, ai ăn vào có thể mặt mũi lở loét, chảy mủ đấy.”

 

Sắc mặt Quý phi biến đổi: “Thái tử phi, ngươi dám nguyền rủa bản cung sao?”

 

“Con chỉ là có lòng tốt nhắc nhở nương nương thôi.”

 

Quý phi tức đến mức mất kiểm soát, chẳng còn giữ nổi dáng vẻ quý phu nhân, đập đũa, đứng dậy mắng ta.

 

Vì động tác gấp gáp, tay áo rộng quét vào cán vá, làm vá nghiêng đổ cả nồi lẩu.

 

Nồi đất lăn tròn trên bàn rồi rơi xuống đất, lăn một vòng dài mới dừng lại bên chân Quý phi.

 

Quý phi bị phỏng đến mức ôm mặt gào khóc như phát điên.

 

Tiếng la hét, tiếng hoảng loạn, tiếng kêu rên vang vọng khắp cung Dục Tú.

 

Trên bàn, dưới đất, đều là một mảnh hỗn loạn.

 

Ngọn lửa dưới nồi vẫn đang cháy, ánh lửa xanh vàng đan xen, như đang cười nhạo người phụ nữ từng được sủng ái hai mươi năm nay.

 

Ta đứng đó, lặng người nhìn tất cả.

 

Mộ Duệ vội vã chạy đến, từ đầu đến chân đều xem qua một lượt, khẩn trương hỏi:
“Có bị thương ở đâu không?”

 

Ta đáp:
“Không có. Thiếp đứng cách xa nồi canh, không bị gì cả.”

 

Lúc ấy chàng mới nhẹ nhõm thở ra một hơi.

 

Thái y từ cung Dục Tú bước ra, chỉ đành bất lực lắc đầu.


Tuy Quý phi không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng dung nhan đã bị hủy hoại.

 

Bà ta ở trong điện khóc lóc gào thét, một mực không cho Hoàng thượng vào thăm.


Bà hiểu rõ lòng quân vương lạnh lẽo vô tình — nếu Hoàng thượng còn chịu nhìn mình một lần, thì ít ra còn vương chút niệm tình; nhưng nếu đã không nhìn nữa, e rằng cả đời này cũng sẽ bị quên lãng.

 

Trong cung Dục Tú, lời đồn nổi lên bốn phía, đều nói rằng vết thương trên mặt Quý phi là do ta gây nên — bởi bà từng tra ra chuyện ta từng chăn dê trên núi, thân thế không sạch sẽ, nên ta ôm hận mà ra tay báo thù.

 

Ta quỳ gối trước ngự án, thưa rằng:
“Xin phụ hoàng minh xét. Dê là do Quý phi nương nương sai người giết, thịt dê cũng là do cung Dục Tú hầm canh. Nồi canh sôi sùng sục, đến ngón tay con còn không dám chạm vào, vậy thì làm sao có thể giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt bao nhiêu cung nữ mà xách cả nồi canh hắt lên người Quý phi nương nương?”

 

Nói đoạn, ta giơ đôi tay sạch sẽ trắng nõn lên để làm chứng.

 

Hoàng thượng lại hỏi chuyện chăn dê trên núi là như thế nào.

 

Mộ Duệ liền vội đáp:
“Thái tử phi từng nói với nhi thần, nàng thuở nhỏ long đong lận đận, có một thời gian phải rời nhà. Nhưng nhi thần xin cam đoan, nàng giữ thân trong sạch, tuyệt không có chuyện...”

 

Hoàng thượng đang phiền lòng, chẳng muốn nghe tiếp, trong lòng lại đau xót cho Quý phi nên cố tìm cớ trút giận, bèn trừng mắt quát:
“Thân là Thái tử phi, ra khỏi cung sao lại không mang theo cung nữ nào cả?”

 

Ta đáp:
“Thưa phụ hoàng, con có dẫn theo Tiểu Thúy. Nhưng Quý phi nương nương lại sai nàng đứng chờ ngoài điện, không cho vào.”

 

“Vậy tức là kẻ hầu cận dốt nát!”

 

Sắc mặt Hoàng thượng sầm lại, phẩy tay quát:
“Tiểu Thúy ban chết. Lui xuống đi.”

 

Ta cùng Mộ Duệ sóng vai lui ra, ánh mắt không nén được chút xót xa liếc nhìn Tiểu Thúy vẫn đang run rẩy quỳ gối nơi hành lang.

 

A Việt quay đầu bảo:
“Ngươi đứng sau ta thì không đúng lễ. Thái tử phi phải đi trước!”

 

Tiểu Thúy: “???”

 

Tòa phủ đệ bên ngoài hoàng thành đã được xây xong, Hoàng thượng hạ chỉ cho Thái tử và Tam hoàng tử ra cung khai phủ.

 

Mộ Duệ đưa ta đi xem tòa phủ mới, đình đài lầu các hòa cùng hoa cỏ cây cối, cảnh trí đẹp đẽ vô cùng.

 

Yến tiệc khai phủ, các quan trong triều và nữ quyến đều đến chúc mừng, ta ăn vận lộng lẫy xuất hiện.

 

Dư Tư Nguyệt cũng cùng Tam hoàng tử đến. Nàng ta đẩy xe lăn cho hắn, trông sắc mặt tiều tụy, dáng vẻ tiều tụy. Tam hoàng tử thì cứ quát tháo rầy mắng suốt dọc đường, bảo nàng ta đẩy xe không khéo.

 

Còn Mộ Duệ thì dịu dàng ngồi bên ta, nói nhỏ:
“Nàng nếu thấy mệt thì cứ về nghỉ, mọi chuyện còn lại để ta lo.”

 

Ta nói mình không mệt.

 

So với chốn cung cấm, phủ đệ ngoài thành tự do hơn nhiều. Những lúc Mộ Duệ rảnh rỗi, thường dẫn ta ra phố Thần Vũ dạo chơi. Nơi đó có đủ thứ quà vặt mà cung cấm không có, vừa đi vừa ăn, ăn xong lại rủ nhau ra đồng cỏ ngoài thành cưỡi ngựa.

 

Một lần như thế, ta lại thấy một ông lão bày quầy đoán mệnh — chính là ông lão năm xưa từng tặng ta ba con dê.

 

Ta vô cùng cảm kích, định tặng ông chút vàng bạc hậu hĩnh. Nhưng ông không nhận, ngược lại còn đưa cho ta và Mộ Duệ mỗi người một cái túi gấm, bảo là “thiên cơ bất khả lộ”, trong túi có lời tiên tri, chỉ được xem riêng, không cho đối phương biết.

 

Trong túi của ta viết một câu:
“Phượng mệnh tráo đổi, gặp rồng mới hóa giải.”

 

Ta không biết túi của Mộ Duệ viết gì, chàng cũng không nói cho ta.

 

Những ngày rong chơi cưỡi ngựa không kéo dài bao lâu — ta có thai rồi.

 

Mộ Duệ bắt đầu cẩn trọng như nâng trứng hứng hoa, không cho ta chạy nhảy lung tung nữa.

 

Tam hoàng tử sau khi ra phủ liền nuôi rất nhiều thiếp thất, hành vi càng lúc càng trụy lạc. Tin tức truyền vào cung chẳng bao lâu.

 

Quý phi đã thất sủng, không thể nói đỡ cho Tam hoàng tử trước mặt Hoàng thượng. Hoàng thượng ngày càng không ưa hắn, nhiều lần răn dạy.

 

Tam hoàng tử vì vậy bực bội, trút giận lên Dư Tư Nguyệt.

 

Một ngày nọ, phụ thân đến phủ Tam hoàng tử thăm nữ nhi, vừa vào cửa đã thấy Dư Tư Nguyệt bị trói chặt bên cạnh xe lăn, Tam hoàng tử vừa mắng chửi vừa túm tóc đánh nàng.

 

Phụ thân nàng quỳ gối khóc lóc:
“Tam điện hạ, xin người giơ cao đánh khẽ, Tư Nguyệt là chính thê của người mà!”

 

Tam hoàng tử chẳng buồn để tâm, tay đánh càng mạnh:
“Thừa tướng nuôi ra một đứa không biết liêm sỉ, còn dám đưa trà dâng túi hương cho đệ đệ ta, còn mặt mũi nào về phủ nữa?”

 

“Phụ thân cứu con… Con sống không nổi nữa rồi...”

 

Dư Tư Nguyệt khóc thảm thiết, hoàn toàn như người đã mất hết hy vọng sống.

 

Phụ thân  vì thương con, trong lúc quẫn trí không biết lấy đâu ra dũng khí, rút trâm cài trên đầu, đâm mạnh vào bụng Tam hoàng tử.

 

Tam hoàng tử đang ngồi xe lăn, tránh không kịp. Bọn người xung quanh cũng không ngờ lại xảy ra chuyện lớn như vậy. Khi họ kịp phản ứng thì áo hắn đã nhuộm đỏ máu.

 

Phụ thân nàng cũng chết lặng — không ngờ trong lúc hoảng loạn lại thật sự dám ra tay. Nhưng nhờ thế mà cứu được tính mạng Dư Tư Nguyệt. Sau đó, ông ta đâm đầu vào cột tự vẫn tại chỗ.

 

Phụ thân ta nghe tin, sợ bị liên lụy, lập tức dâng toàn bộ gia sản, trong đêm đệ đơn cáo lão hồi hương.

 

Tam hoàng tử tuy còn giữ được mạng, nhưng từ đó sức khỏe suy yếu, chưa đến vài năm đã qua đời.


Hoàng thượng hạ chỉ, lệnh Dư Tư Nguyệt đến Thái Thu Sơn trông coi lăng mộ cho Tam hoàng tử.

 

Năm Long Hựu thứ ba mươi hai, hoàng thượng băng hà, Thái tử Mộ Duệ kế vị, đăng cơ làm đế.

 

Ta được phong làm hoàng hậu, vào ở trong Trường Thu Cung.

 

Con trai ta — Mộ Cảnh Thần — được lập làm thái tử, con gái được phong làm Hy Đường công chúa.

 

Tiểu nương của ta cũng được truy phong là phu nhân phẩm cấp cao, nhận chỉ ban phong hàm cáo mệnh.

 

Từ đó về sau, ta không cần gọi người là “tiểu nương” nữa, mà có thể đường đường chính chính gọi một tiếng mẫu thân.

 

Cõi trời cõi đất, non sông hữu tình.

 

Lại là thêm một năm cảnh đẹp.

 

Ta cùng Mộ Duệ tay nắm tay đứng nơi cao nhất trong thiên hạ — bốn phương yên bình, vua tôi hòa thuận.

 

Mẫu thân, người có thấy không?

 

Người từng nói, hạnh phúc của ta… sẽ đến muộn một chút.

 

Nay, nó đã đến rồi.

 

Ngoại truyện — Giang hồ thuật sĩ

 

Lão phu năm xưa từng gieo quẻ bói mệnh, điều hối hận nhất trong đời chính là lúc còn trẻ đã làm một chuyện trái lương tâm.

 

Hai vị tiểu thư nhà Tể tướng Dư, người con thứ mang mệnh phượng, còn đích nữ lại là mệnh thiên sát cô tinh.

 

Điềm lành "trăm chim chầu phượng" khi ấy, thực chất là ứng vào nhị tiểu thư.

 

Phu nhân của Tể tướng sợ con gái mình bị soán vị, liền tìm đến ta, đưa ra một số bạc lớn, cầu xin ta làm phép tráo đổi số mệnh của hai người.

 

Lúc ấy ta vốn không muốn làm chuyện thất đức ấy, nhưng bạc trắng quá nhiều, lòng người mềm yếu, cuối cùng cũng ra tay đánh tráo.

 

Lương tâm vẫn còn cắn rứt, nghe nói nhị tiểu thư bị đuổi khỏi nhà, ta bèn âm thầm đưa cho nàng một mái nhà cùng ba con dê, để nàng không đến mức chết đói chết rét giữa chốn giang hồ.

 

Như vậy, lòng ta mới phần nào nguôi ngoai.

 

Song số mệnh do trời định, việc tráo mệnh không phải hoàn hảo vô khuyết.

 

Nếu một ngày, nhị tiểu thư gặp được nam tử mang mệnh rồng, thì số mệnh bị đánh tráo kia… sẽ quay trở lại!

 

Không ngờ nàng thật sự gặp được người đó.

 

Hôm đó ta đang bày quầy đoán mệnh ở phố Thần Vũ, thấy đôi phu thê trẻ nắm tay tình ý mặn nồng. Vừa nhìn, ta đã biết thân phận họ chẳng tầm thường.

 

Vị nữ tử kia muốn tặng trọng lễ cảm tạ, nhưng ta nào dám nhận. Ta chỉ đưa cho họ mỗi người một chiếc túi gấm, trong có một lời tiên đoán — tự mình đọc, không được để người kia thấy.

 

Túi gấm của nữ tử ghi rằng:

 

“Phượng mệnh tráo đổi, gặp rồng mới giải.”
Nghĩa là: số mệnh nàng từng bị tráo, nhưng nếu gặp được nam tử có thiên mệnh là rồng, thì vận mệnh sẽ được khôi phục.

 

Túi gấm của nam tử thì viết:

 

“Rồng gặp trắc trở, gặp phượng thì thịnh.”
Nghĩa là: tuy có mệnh làm đế vương, nhưng đường đi gập ghềnh. Nếu gặp được nữ tử mang mệnh phượng, vận trình sẽ thịnh vượng hanh thông.

 

Họ là cứu rỗi của nhau.

 

Cũng là phúc phận dành cho nhau.

Chương trước
Loading...