Hôm Ấy Mưa Rơi, Cậu Ấy Khóc

3



Về nhà muộn, Chu Châu tới tìm tôi cũng chẳng thấy, lâu dần anh ấy cũng chẳng tới nữa.

 

Chất lượng sống của tôi lao dốc không phanh. Tôi vốn không giỏi nấu ăn, giờ thì hay rồi, ba bữa toàn ăn đồ giao tận nơi.

 

Trên đường về sau ca làm thêm, tôi đột nhiên nhận được tin nhắn wechat từ Chu Châu:

“Lương tháng này sao em chưa chuyển cho anh?”

 

Khoảnh khắc ấy, tôi bỗng thấy muốn khóc.

 

“Tôi quên rồi.” Tôi trả lời.

 

“Sao thế?” Anh hỏi.

 

Tôi bỗng cảm thấy phiền, liền chuyển hết số tiền còn lại cho anh, rồi không nhắn gì thêm.

 

“Đào Đào, anh đã xem nhà xong hết rồi. Cuối năm cưới xong là mình có thể lấy tiền làm tiền đặt cọc, sau này anh sẽ tiện chăm sóc em hơn.”

 

Tôi nhìn tin nhắn ấy, chẳng biết nên khóc hay cười:

“Anh quyết là được.”

 

Tôi không muốn trả lời thêm nữa.

 

Mẹ tôi gọi điện tới: “Sao muộn thế còn chưa về? Làm việc gì mà bận dữ vậy?”

 

“Con tăng ca.” Giọng tôi hơi nghẹn.

 

“Phải giữ gìn sức khỏe, hay là mẹ tìm gặp mẹ Hòa Diễn nói giúp? Việc trước đâu có vất vả như này, giờ họ sắp xếp công việc kiểu gì mà để con khổ thế?”

 

“Mẹ…” Tôi ngắt lời bà, “Vậy không hay đâu.”

 

Mẹ tôi lại dặn tôi nhớ giữ sức, tranh thủ cưới xong thì sinh con sớm. Tôi chỉ biết thở dài.

 

Tắt máy, tôi ngồi bên lề đường, có cảm giác bản thân như con lừa, bị cuộc sống và tương lai sắp đặt sẵn kéo đi mà không có lối thoát.

 

Nghĩ đến đó, tôi không kìm được, bật khóc.

 

Tôi không biết mình đã khóc bao lâu, chỉ nghe tiếng còi xe vang lên không ngừng.

 

Tôi ngẩng đầu, giữa làn nước mắt lòa nhòa, thấy chiếc Bentley quen thuộc đang đỗ phía trước, giật mình lau nước mắt.

 

“Tan làm muộn vậy?” Hòa Diễn nhìn tôi từ trên xuống dưới, khiến tôi thấy mất tự nhiên.

 

“Ừ.” Tôi cố nặn ra một nụ cười. “Anh cũng vừa bận xong à?”

 

“Ừ.” Anh lại liếc nhìn tôi, rồi gật đầu về phía ghế phụ: “Lên xe, tôi đưa về.”

 

“Thôi.” Tôi từ chối, “Tôi muốn đi bộ một mình.”

 

Anh thở dài, bước xuống xe, mở cửa bên ghế phụ:

“Muộn thế này còn muốn đi bộ?”

 

Anh đã làm vậy, tôi có vẻ không còn lựa chọn.

 

Tôi ngồi vào xe, không nhìn anh.

 

“Không hài lòng với công việc tôi sắp xếp cho à?” Anh nhìn chằm chằm tôi, chắc cũng đoán ra tôi vừa khóc. Dù giọng vẫn lạnh, nhưng không còn gay gắt như trước.

 

Tôi im lặng. Anh rõ ràng là hỏi cho có.

 

Ai bị giáng chức mà còn có thể nói “rất hài lòng”? Tôi đâu có ngu. Tám ngàn và sáu ngàn, trẻ con cũng biết chọn cái nào.

 

“Cảm thấy mệt, thấy công việc lặp đi lặp lại nhàm chán? So với việc ở tổ kế hoạch trước đây, bị người ta nói dựa quan hệ vào làm, chẳng có năng lực, chỉ là bù nhìn — thì em thích kiểu nào hơn?” Anh hỏi thẳng, không để tôi né tránh.

 

Tôi như con mèo chết đuối, thở cũng không dám thở mạnh. Bởi anh nói... đều đúng cả.

 

Tôi cúi đầu, cắn môi sợ khóc, hít sâu một hơi hỏi:

“Anh cũng nghĩ như vậy sao?”

 

Anh ngập ngừng, rồi hạ giọng:

“Làm bình hoa thì sao? Có thể ung dung làm một bình hoa, cũng là một bản lĩnh.”

 

“Bắt đầu lại đi. Lúc học ở Mỹ, tôi giúp thầy hướng dẫn sắp xếp tài liệu ba năm — mà đó là ba năm tôi trưởng thành nhất.”

 

Tôi giật mình, như thể bức màn mù mịt trong lòng bao năm bị người khác vén lên.

 

Anh nhìn tôi, khẽ thở dài, rồi lấy từ hộc xe ra một viên kẹo:

“Muốn ăn kẹo không?”

 

Tôi chìa tay nhận lấy — là kẹo bạc hà. Tim tôi thoáng run lên. Anh chẳng phải rất ghét vị bạc hà sao?

 

Nhưng nghĩ lại, ngần ấy năm trôi qua rồi, khẩu vị con người... cũng sẽ thay đổi.

 

10

 

Về gần đến khu tôi ở, tôi bảo anh dừng xe sớm một đoạn.

 

Muộn thế này mà lại để anh đưa về, nếu có ai trông thấy thì không hay cho lắm.

 

“Em đi một mình được chứ?” Anh liếc nhìn vào phía trong khu chung cư.

 

Tôi nhìn theo ánh mắt anh. Đúng là hơi tối, tôi vốn có chút sợ bóng tối, nhưng vẫn cố cười:

“Quen rồi ạ.”

 

Tôi cười với anh một cái, cảm ơn.

 

“Bạn trai em không tới đón à?” Anh khẽ nhíu mày, giọng như mang chút cảm xúc gì đó.

 

“À... bọn em không ở chung.” Vừa nói xong tôi đã thấy hối hận — kể chuyện này cho anh làm gì cơ chứ.

 

Anh sững lại, nét mặt như dịu đi hẳn.

 

“Tạm biệt.” Tôi vẫy tay với anh. Anh không nói gì thêm.

 

Chỉ là xe anh vẫn dừng nguyên tại chỗ, đèn trước vẫn bật, cho đến khi tôi bước hẳn vào cổng khu nhà mới tắt đi.

 

Trong lòng tôi vụt qua một cảm giác rất lạ, nhưng rồi tan biến rất nhanh.

 

Về đến nhà, tôi bất ngờ phát hiện đèn vẫn đang bật.

 

Tôi giật mình — thấy Chu Châu đang lau dọn trong phòng khách.

 

“Anh... sao lại đến đây?” Tôi nhìn đồng hồ treo tường, đã mười giờ tối rồi.

 

Trước giờ vào tầm này, anh ấy luôn rút rồi.

 

“Mẹ em nói gần đây em hay làm về muộn, bà lo. Anh nghĩ hay là chuyển đến ở cùng em một thời gian, tiện chăm sóc em luôn.” Anh cười.

 

Anh nói như chuyện đương nhiên, mà tôi thì sợ giật nảy mình.

 

Rồi tôi nhìn thấy trong phòng khách có mấy món đồ không phải của tôi.

 

Da đầu tôi tê rần.

 

“Sao không hỏi trước với em một tiếng?”

 

“Anh có hỏi mẹ em rồi, bà cũng thấy thế này rất ổn. Dù sao sau này tụi mình cũng phải ở với nhau thôi.” Anh ngừng một chút rồi cười, “Sao, bất ngờ quá à?”

 

Tôi: …

 

Tôi thì đúng là sợ đến hết hồn.

 

Trong lòng thấy nghẹn, tôi bước vào phòng mình — lập tức thấy phòng đầy rẫy đồ của anh.

 

Cả bàn trang điểm cũng bị anh dọn lại. Tôi thậm chí còn không tìm thấy đồ của mình.

 

Có thứ gì đó trong tôi sắp nổ tung rồi.

 

Tôi cố nhịn, tự nhủ rằng yêu cầu của anh cũng không phải quá vô lý. Tôi cầm quần áo đi tắm, ai ngờ đúng lúc đó lại tới kỳ kinh, mà tôi tìm mãi không ra băng vệ sinh.

 

“Chu Châu, anh có động vào đồ của em không?” Tôi nhỏ giọng hỏi.

 

“Ừm, em bày lung tung quá. Sau này sống cùng nhau, chỗ nào đặt gì anh đều sắp xếp cho em rồi.”

 

“Em cũng có cách sắp đồ của em...” Tôi cố giữ bình tĩnh. “Anh đổi chỗ hết, giờ em chẳng tìm thấy gì.”

 

“Thì em hỏi anh, anh giúp em tìm.”

 

Tôi không nói gì thêm. Vào tắm, tắm xong, thay đồ rồi ra định nói chuyện rõ ràng.

 

“Chu Châu, sau này có chuyện gì, anh có thể bàn với em trước được không?”

 

Anh dừng tay, cười nói:

“Em không vui vì anh chuyển tới ở à? Chuyện này mẹ em cũng đồng ý rồi. Tụi mình làm vậy là vì tốt cho em.”

 

Tôi cắn răng, không lên tiếng. Cuối cùng chẳng hiểu sợi dây thần kinh nào bị kéo đứt, tôi buột miệng:

“Cái gì anh cũng bàn với mẹ em, có bao giờ tôn trọng ý kiến em không? Hay là anh cưới mẹ em luôn đi.”

 

Anh sững người. “Đào Đào, hôm nay em sao vậy? Trước giờ em không như thế này.”

 

Tôi muốn bật cười.

 

Trước giờ tôi không như vậy?

 

“Trước giờ em là sao? Có ai trong các anh từng để tâm đến không? Các người luôn dùng cái danh ‘vì tốt cho em’ để quyết định mọi chuyện. Bởi vì các người chín chắn hơn, lý trí hơn...”

 

“Đào Đào.” Anh tiến lại, định nắm tay tôi, “Tụi mình sắp kết hôn rồi, em nghe anh chẳng phải là điều đương nhiên sao?”

 

Lúc đó tôi mới hiểu vì sao mình luôn thấy ngột ngạt khi ở bên anh.

 

Là vì ngay từ đầu, mối quan hệ này đã được định hướng tới hôn nhân. Mọi chuyện đều phải xoay quanh chuyện cưới hỏi.

 

Tính đủ cả rồi — chỉ quên tính tới cảm xúc của tôi.

 

“Vậy thì đừng cưới nữa.” Tôi hất tay anh ra.

 

Tôi chịu đủ rồi.

 

“Hôm nay em vô lý thật đấy.” Nét mặt anh lập tức trở nên nghiêm nghị. “Em không định chia tay đấy chứ? Hai bên gia đình đều gặp rồi, khách sạn đặt rồi, thiệp cũng gửi hết rồi, em…”

 

Lại là mấy thứ đó ra để ép tôi. Tôi thật sự mệt mỏi.

 

“Chúng ta tạm xa nhau một thời gian đi.”

 

Tôi không muốn tiếp tục đề tài này nữa, vào phòng, khóa cửa.

 

Nằm trên giường, tôi cứ nghĩ mãi về việc tại sao mình lại rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan thế này.

 

Anh nói đúng. Mỗi lần tôi bất mãn, mỗi lần tôi muốn nói chia tay, anh đều dùng thực tế để đè tôi xuống.

 

Một mối quan hệ đã định hình sẵn trong mắt người lớn, bạn bè, họ hàng, muốn phá bỏ… phải trả giá quá đắt.

 

Tôi không dám tưởng tượng, nếu phá vỡ cuộc hôn nhân "mẫu mực" này, mọi người sẽ nhìn tôi thế nào.

 

Họ sẽ nói tôi ngốc, nói tôi bốc đồng…

 

Tôi nhớ đến cái tôi trước kia — dám yêu dám hận. Nhưng sau khi ra xã hội, sau khi bị cả tình yêu lẫn sự nghiệp giáng đòn, tôi đã không còn là mình nữa.

 

Sáng hôm sau, anh dọn đồ đi.

 

Qua một đêm, tôi lại thấy hình như mình phản ứng hơi quá.

 

Tôi nhắn tin cho anh — anh không trả lời.

 

Chúng tôi bắt đầu chiến tranh lạnh.

 

11

 

Sau đó, tôi điều chỉnh lại tâm trạng, quyết định dốc toàn bộ thời gian cho công việc.

 

Tôi đi hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp cũ chuyên phụ trách quản lý hồ sơ, nhờ thế tránh được không ít lỗi ngớ ngẩn.

 

Tôi cũng học cách từ chối khi có người nhờ đi rót nước, dọn dẹp giúp — hiệu suất làm việc lập tức tăng lên thấy rõ.

 

Tối nào tăng ca, tôi cũng gặp Hòa Diễn vài lần, nhưng không lần nào lên xe anh nữa.

 

Tôi không muốn gây hiểu lầm, nhất là khi nghe đồng nghiệp bàn tán: vị trí cũ của tôi giờ được giao cho một đồng nghiệp nữ mới vào, nghe nói còn là bạn gái hiện tại của anh.

 

Tôi lại càng không có lý do gì để đến gần anh.

 

Cho đến một hôm, sếp của tôi nghỉ phép, bảo tôi hoàn thiện một bộ hồ sơ và đưa trực tiếp cho Hòa Diễn.

 

Tôi đành cắn răng đi tìm anh.

 

Việc đợi anh ký hồ sơ là một quá trình dài đằng đẵng. Từ 8 giờ tối tôi ngồi chờ đến tận 9 giờ, anh mới đọc xong.

 

“Em gấp về à?” Anh rõ ràng đang cúi đầu xem hồ sơ, chẳng hiểu sao vẫn bắt được khoảnh khắc tôi lén lút nhìn điện thoại.

 

Tôi hơi ngượng.

 

“Không đâu, anh cứ từ từ.” Vừa nói xong thì bụng tôi không đúng lúc mà réo lên.

Chương trước Chương tiếp
Loading...