"Cảm ơn bạn đã đọc truyện tại Tân Mộng. Nếu thấy hay, bạn có thể ủng hộ editor bằng cách click vào link Shopee dưới đây. Việc ủng hộ là hoàn toàn tự nguyện. Xin cảm ơn!"
Đứa Con Bị Lãng Quên
Chương 2
4.
Tôi nhỏ hơn Dương Du 5 tuổi, vì vậy cảnh chị em cãi nhau như những gia đình bình thường gần như chưa từng xảy ra trong nhà tôi.
Thiên nga kiêu hãnh, làm sao lại đi tranh cao thấp với một con sẻ nâu bình thường?
Vì vậy, khi Dương Du nói ra câu đó, tôi mất mấy giây mới kịp phản ứng.
Nhưng nước mắt thì đã trào ra trước cả suy nghĩ.
Dương Du ném lại một tiếng:
“Giả tạo!”
Rồi hất tay ra khỏi vai tôi, vẻ mặt đầy chán ghét, thay giày, sập cửa bỏ đi.
Rõ ràng là chị ấy giận dữ, vậy mà người bị mẹ tôi trách mắng… lại là tôi.
“Chị con ăn mặc đẹp như vậy là giữ thể diện cho cả nhà, chẳng lẽ phải mặc rách rưới thì con mới vui à?”
“Con nhỏ nhặt vừa thôi!”
Chuyện này… thực sự là lỗi của tôi sao?
Tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình, nhưng vẫn không kìm được mà lên tiếng phản bác:
“Đi ăn cưới người ta, phù dâu cũng đâu có mặc nổi bật hơn cô dâu.”
Mẹ tôi có vẻ bất ngờ vì đứa con gái ít nói lại dám cãi lại mình.
Không muốn rắc rối, bà mất kiên nhẫn khoát tay:
“Thôi được rồi, tổ chức tiệc mừng thì con lại lắm chuyện. Không tổ chức thì con không vui. Còn lắm lời nữa thì hủy luôn đi, cho nhà cửa yên tĩnh!”
Đến nước đó, buổi tiệc tôi mong chờ suốt bao tháng ngày, tôi đã chẳng còn muốn tham gia nữa.
Nhưng tôi đã mời bạn bè, thầy cô, không thể nào hủy sát giờ được.
Tối hôm đó, tôi gần như không thể chợp mắt.
Hôm sau, tại hội trường buổi tiệc.
Chị Dương Du nói đúng.
Dù chỉ đứng đó, tất cả ánh mắt đều đổ dồn về phía chị.
Thậm chí, Trạm Trình — cậu bạn cùng lớp có chút cảm tình với tôi — cũng nhìn chị đờ người ra mấy giây.
Khi quay lại chào tôi, vành tai cậu đỏ bừng.
Tôi có thể thấy rõ, trong mắt cậu lúc đó, có một thứ gì đó rung động và bối rối.
Đúng vậy. Dù người ta có bảo nội tâm mới quan trọng, nhưng ở khoảnh khắc đầu tiên, vẻ ngoài xinh đẹp luôn chiếm lấy tất cả ánh nhìn.
Trước đây, giữa áp lực học hành, tôi từng tưởng tượng:
Nếu chúng tôi cùng đỗ vào một trường, liệu mối quan hệ giữa tôi và Trạm Trình có tiến xa hơn không?
Giờ phút này, những mơ mộng nhỏ bé ấy đã tan biến.
Tôi đứng thất thần trước gương nhà vệ sinh, tự hỏi:
Với một cô gái bình thường như tôi, có phải người chị quá rực rỡ ấy là may mắn… hay bất hạnh?
Rồi… như có một ý nghĩ kỳ lạ lóe lên:
Đã tránh không được, chi bằng… cứ dựa sát chị thêm chút nữa.
Tôi cắn răng, quay người bước ra ngoài, chủ động khoác tay Dương Du.
Chị đi đâu, tôi cũng đi theo đó.
Chị thu hút mọi ánh nhìn, thì tôi… đứng ngay bên cạnh chị.
Thế thì, nếu người ta nhìn chị, cũng sẽ nhìn thấy tôi.
Tôi còn nhanh chân giới thiệu trước:
“Chào cô chú ạ, cháu là Dương Kha. Đây là chị cháu – Dương Du.”
Cứ như thể, chỉ cần nhấn mạnh hai chữ “chị cháu”, thì mối liên kết đó sẽ thật sự trở nên có nghĩa.
Tôi chỉ hy vọng, mọi người đừng chỉ nhớ đến Dương Du, mà hãy nhớ hôm nay là ngày của Dương Kha.
Mặc dù tôi biết… tất cả những cố gắng ấy… vẫn vô ích.
Buổi tiệc sắp kết thúc, bố tôi mới khen:
“Tiểu Kha à, cô giáo con có khen con chín chắn, chăm chỉ, làm lớp phó học tập chưa bao giờ mắc lỗi. Ở nhà thì ngoan ngoãn, đến trường cũng khiến thầy cô quý mến.”
Tôi chỉ mỉm cười, không nói gì.
Nếu từng đi họp phụ huynh thì sẽ biết: giáo viên chủ nhiệm của tôi dạy Toán, còn tôi làm lớp phó môn Ngữ văn.
Nhưng mấy chuyện này có còn quan trọng nữa không?
Rất nhanh thôi, tôi sẽ lên đường đến nơi khác.
Dù vậy, tiền sinh hoạt hằng tháng của tôi vẫn không bằng các anh chị năm xưa.
Năm đó, anh chị mỗi người 1.500 tệ mỗi tháng.
Tôi thì chỉ được 1.200.
Tôi hỏi tại sao?
Mẹ đáp, giọng đầy nặng nề:
“Giờ thời thế khác rồi. Kinh tế khó khăn, công ty bố con cũng cần duy trì dòng tiền.”
Rồi tiếp:
“Anh con còn phải chuẩn bị đám cưới.”
“Chị con vào đài truyền hình, chi phí ăn mặc cũng nhiều.”
Cuối cùng, lại là câu nói cũ rích:
“Ngày trước con học thêm học bớt nhiều, bố mẹ bỏ không ít tiền. Giờ khấu trừ lại vào sinh hoạt phí… cũng là điều nên làm.”
Bố tôi chưa đến 60, nhưng đầu đã bạc gần hết.
Tôi biết ơn họ đã nuôi tôi khôn lớn.
Nhưng…
Tôi đâu có tự nguyện được sinh ra để so sánh với anh chị mình đâu.
5.
Rời khỏi gia đình… lại không khó chấp nhận như tôi từng tưởng tượng.
Thậm chí, còn có chút nhẹ nhõm.
Tôi cuối cùng cũng có thể làm chính mình, không còn phải cân nhắc “anh chị năm xưa làm thế nào”, rồi bị đánh giá kiểu như:
“Mấy cái này anh chị con đã giỏi từ lâu rồi.”
Vừa mới nhập học, tôi vẫn giữ lối tư duy học sinh cấp ba.
Trong phòng ký túc, các bạn rất năng động, thường kéo nhau đi chạy bộ buổi tối.
Một cô bạn đang quyết tâm giảm cân nói:
“Chạy bộ không chỉ để ốm mà còn kích thích tiết dopamine, giúp điều tiết cảm xúc và giảm áp lực.”
Tôi cũng thật sự cần giải tỏa bản thân.
Suốt những năm qua, sống dưới cái bóng thành tích của anh chị, mấy chữ “không như kỳ vọng” cứ khiến tôi hồi hộp đến nghẹn thở.
Sau khi chạy xong, cả người mệt rã rời, tâm trí cũng được kéo đi xa hơn.
Vận động rất mệt.
Nửa học kỳ trôi qua, trong 4 người phòng tôi, chỉ còn mình tôi vẫn kiên trì chạy đều đặn.
Có lẽ là vô tình thành công.
Từ nhỏ tôi ngồi học sai tư thế nên hơi gù nhẹ, nhưng chạy bộ suốt nửa kỳ, tư thế cũng dần thẳng lên rõ rệt.
Lỗ chân lông dường như cũng se khít lại.
Khi trở về nhà nghỉ đông, Dương Du phá lệ, lần đầu khen tôi một câu:
“Nước non thành phố A dưỡng người thật đấy, nhìn em cũng ra dáng con gái rồi.”
Rõ ràng là do công sức chạy bộ, vậy mà chị ấy lại gán công cho khí hậu.
Tranh cãi kiểu này chẳng có ý nghĩa, tôi chỉ lẩm bẩm:
“Dù sao ở đây cũng dễ chịu hơn trong nhà.”
Trước Tết, nhóm bạn cũ cấp ba tụ tập.
Có người đã thay đổi phong cách ăn mặc, trang điểm đậm hơn hẳn thời còn đi học.
Nhìn quanh, tôi là người thay đổi ít nhất.
Khi đi hát karaoke, Trạm Trình cố ý ngồi cạnh tôi, cười hỏi:
“Tớ có nhắn cho cậu mấy lần, sao chẳng thấy trả lời? Dù bận đến đâu cũng nên để ý đến bạn mình chứ?”
Tôi cúi đầu, nói dối:
“Ngại quá, dạo này tớ bận lắm, thật sự không có thời gian.”
Ánh mắt Trạm Trình lập tức tối lại.
Tôi thấy rõ, cậu ấy rất thất vọng.
Thật ra, cậu ấy chưa từng bắt đầu thích tôi, mà chỉ bị thu hút bởi ánh hào quang từ chị tôi.
Có thể tôi hẹp hòi, có thể là ghen tị.
Nhưng dù sao đi nữa, giữa chúng tôi sẽ không còn bất kỳ khả năng nào nữa.
Chỉ mới đi học xa nhà vài tháng, căn phòng tôi từng ở đã đầy đồ linh tinh.
Tôi nhích từng chút một để sắp xếp lại.
Trong tủ, có mấy hộp mỹ phẩm lộn xộn – đều là đồ của Dương Du.
Tôi nhắc chị mang về, chị chẳng buồn nhấc người:
“Bạn tặng, hãng tài trợ, dùng không hết. Cứ vứt đi.”
Có những món chưa khui, có món mới xài 1–2 lần.
Vứt đi thì phí quá mức.
Tôi không chỉ thấy tiếc, mà còn… thấy tò mò.
Do công việc của mẹ tôi, từ nhỏ nhà đã không thiếu mỹ phẩm.
Mẹ không cho con nít đụng nhiều đồ trang điểm, nhưng khi Dương Du làm nũng, bà lại dùng tay chấm một nốt son đỏ lên giữa trán chị, gọi là “hoa giữa mày”.
Sau đó, Dương Du thể hiện năng khiếu ca múa, mẹ liền đưa chị ấy đi học các lớp năng khiếu, dự thi, luôn là người tự tay trang điểm cho con gái cưng.
Còn tôi – không tài, không sắc – chỉ biết cắm đầu học.
Tôi từng tò mò với hộp phấn của mẹ.
Đổi lại, tôi chỉ nhận được tiếng quát:
“Đừng có bày!”
Nhưng giờ đây, sự tò mò thời thơ ấu lại bùng lên.
Tôi tự hỏi… liệu mình cũng có thể thử trang điểm một chút không?
Dù nền tảng gương mặt tôi không tốt, trang điểm lên chắc cũng không đến mức khó nhìn đến vậy chứ?
Tôi bán phần lớn số mỹ phẩm đó trên app đồ cũ.
Nhưng lén giữ lại vài món.
Mỗi đêm, khi cả nhà đã ngủ, tôi bật đèn bàn lên lén luyện tập.
Kỹ thuật ban đầu rất tệ, quả thật không dám nhìn.
Nhưng tôi vẫn thấy vui.
Sau khi về lại trường, nhân lúc ký túc xá vắng người, tôi tiếp tục tập tành.
Một lần, tôi tô hai hàng lông mày hơi quá tay, vừa bước vào nhà vệ sinh đã bị một chị khóa trên bắt gặp.
Chị ấy lùi lại theo phản xạ.
Tôi đứng hình tại chỗ.
Nhưng tôi là người mặt dày có tiếng trong phòng.
Tôi cười cười, tự giễu:
“Ngại quá, dọa chị sợ rồi à? Hôm nay quên bật filter chỉnh mặt đấy ạ!”
Câu đùa gượng gạo khiến chị ấy bật cười:
“Cái kiểu trang điểm của em đúng là hơi… lạ thật đấy.
“ Nhưng thôi, để chị trang điểm giúp em nhé.”
“Chị cũng đang luyện tập, tay nghề chắc tốt hơn em chút.”
6.
Lâm Bạch Lộ rất thích mày mò mỹ phẩm.
Không chỉ tự trang điểm cho mình, chị ấy càng thích lấy người khác ra làm thực hành.
Mấy cô gái trong phòng ký túc đều từng là “chuột bạch” của chị ấy một lượt.
Giờ nhìn thấy “tay tàn” như tôi, Bạch Lộ mừng rỡ như bắt được vàng.
Phơi hết toàn bộ khuyết điểm khuôn mặt ra trước người quá quen thuộc… cần có dũng khí.
Nhưng Lâm Bạch Lộ được cái mồm ngọt.
Trong mắt chị ấy, những "bug" trên mặt tôi như mắt nhỏ, mí đơn, trán dài, cằm ngắn… đều không phải vấn đề.
Chị ấy buông một câu:
“Chị thấy thấy gương mặt em rất hợp kiểu trang điểm đang hot dạo này!”
Thế là chị ấy kẻ viền mắt dày, dán mi giả loại dày nhất, đánh phấn mắt màu nâu nhạt, tạo khối – highlight – tất cả quẹt lên mặt tôi như không cần tiền.
Kết quả: lớp trang điểm quá đậm khiến tôi bị sốc.
Phải nói rằng, tay nghề của Lâm Bạch Lộ đúng là chỉ hơn tôi… một chút xíu thôi.
Nhưng hai đứa “gà mới vào nghề” đều cực kỳ kiên nhẫn.
Dù thời khóa biểu kín đặc, chúng tôi vẫn tranh thủ được thời gian để mày mò make-up.
Mọi video hướng dẫn trang điểm cho người mới trên các nền tảng, chúng tôi đều xem đến thuộc lòng.
Sau vài tháng mò mẫm, thử sai không biết bao nhiêu lần, cuối cùng cũng rút ra được một kiểu trang điểm phù hợp với từng đứa.
Lâm Bạch Lộ là mẫu con gái miền Nam điển hình – nhỏ nhắn, đáng yêu – nếu trang điểm quá đậm thì sẽ bị già. Thế nên cô ấy chọn style “cô gái ngổ ngáo”, tinh nghịch.
Còn tôi, mặt góc cạnh, không hợp nhẹ nhàng.
Càng trang điểm đậm thì khí chất lại càng nổi bật.
Lúc đầu tôi cũng hơi mất tự tin, kéo tay Bạch Lộ hỏi:
“Em trang điểm vậy có đậm quá không? Mẹ với chị em cũng trang điểm, nhưng họ chưa bao giờ đánh mắt đậm đến vậy…”
Mắt hạnh má đào, trang điểm nhẹ là gu thẩm mỹ của đa số người trong gia đình tôi.
Nhưng Bạch Lộ lại rất hài lòng, đáp thẳng:
“Ai nói trên đời này chỉ có một kiểu đẹp?”
Để hợp với lớp trang điểm, chị ấy còn lôi tôi đi… nhuộm tóc.
Mái tóc ngắn ngang tai, nhuộm highlight tạo thành phong cách nổi loạn chưa từng có của tôi từ trước đến nay.
Mùa hè đó, tôi mang vẻ ngoài mới mẻ trở về nhà.
Các cô dì hàng xóm gần như… không nhận ra tôi.
“Đây là Dương Kha à?”
“Học đại học đúng là thay đổi nhiều thật đấy.”
Nhưng bố mẹ tôi không rảnh để để ý tôi thay đổi thế nào.
Vì Dương Cẩn đã chính thức chia tay với Tô Duyệt.
Người đề nghị chia tay là Tô Duyệt. Lý do: tính cách không hợp.
Dương Cẩn ủ rũ ở nhà suốt ngày, như người thất thần.
Tô Duyệt gửi tin nhắn cho tôi.
Cô ấy nói, sau khi chia tay với Dương Cẩn thì nên xóa tất cả liên hệ. Nhưng trước khi xóa, muốn báo với tôi một tiếng.
Dù tôi chỉ gặp Tô Duyệt hai lần, nhưng tôi có thiện cảm với cô ấy.
Tôi trả lời:
“Chị ơi, đừng vội xoá em. Năm đó món quà chị tặng em, em vẫn còn giữ. Em muốn mời chị ăn một bữa nhé?”
Một lúc lâu sau, Tô Duyệt mới trả lời:
“Được.”
Nhìn thế cũng đủ thấy, Tô Duyệt vẫn còn tình cảm với anh tôi.
Tôi rất khâm phục chị ấy – dám yêu, dám buông.
Cũng thầm tiếc nuối thay cho anh tôi.
Một cô bạn gái biết điều như vậy, tại sao không cố gắng giữ lấy?
Lần gặp mặt đó, Tô Duyệt nhìn tôi từ trên xuống dưới, chắc chắn nói:
“Chị thích phong cách hiện tại của em đấy. Cô bé này như lớn bổng lên rồi vậy.”
Chúng tôi vừa ăn được nửa bữa, vài người bạn của Tô Duyệt gọi chị đi chơi.
Chị rủ tôi đi cùng luôn.
Mọi người hiếu kỳ hỏi tôi là ai.
Tô Duyệt thản nhiên đáp:
“Em gái người yêu cũ. Nhưng con bé này hợp gu chị, nên rủ theo luôn. Mọi người không được bắt nạt nó.”
Hai chiếc SUV đưa chúng tôi đến một khu nghỉ dưỡng vừa mới khai trương ở ngoại ô.
Các cô gái tụ lại, chủ đề bất biến – tất nhiên là chụp ảnh.
Trong nhóm có một chàng trai duy nhất – là em họ của Tô Duyệt, tên Tô Hành Tri.
Một chàng trai có đường nét thanh tú.
Đang học năm ba đại học ở nước ngoài, sở thích duy nhất là… nhiếp ảnh.
Hôm đó, đúng dịp để cậu ta phát huy sở trường, giúp mọi người chụp hình.
Chụp xong cả nhóm, Tô Hành Tri gọi tên tôi:
“Dương Kha, em cũng đứng vào chỗ có tia nắng kia một chút nhé.”
Ánh nắng tinh khiết của mùa hè xuyên qua tán cây, rọi đúng vào vị trí cậu ấy chỉ.