Chỉ Cần Em Bình An

Chương 1



“Chị Ninh, ngày mai anh Diễn có tiệc, gọi chị tới đó.”

 

Tay tôi dừng lại trên màn hình điện thoại, rồi ngẩng đầu lên, vô cảm nhìn đám bạn ăn chơi của Tạ Đình Diễn đứng trước mặt. Một lũ con nhà giàu chẳng biết gì cả.

 

Chúng đứng đó, bá vai bá cổ nhau, trên mặt là nụ cười giễu cợt.

 

Là một “liếm cẩu” chuẩn mực, tôi chọn cách giả vờ không thấy gì.

 

Tôi cất điện thoại gọn gàng: “Được thôi.”

 

Chúng cười phá lên, bắt đầu lôi tiền ra trước mặt tôi.

 

“Tôi đã bảo cô ta sẽ đi mà, anh Diễn gọi thì làm sao cô ta dám không đi, mau đưa tiền! Tôi thắng hai vạn rồi đó!”

 

Đúng là thiếu gia, cá cược cũng toàn mấy chục nghìn tệ.

 

Tôi bình thản nhìn tất cả, rồi ánh mắt chạm phải Tạ Đình Diễn.

 

Anh ta quay mặt đi trước, đá vào tên ồn ào nhất một cú: “Đủ rồi đấy. Thật sự cá cược à, số tiền đó để mời Ninh Uyển ăn cơm đi.”

 

Người kia cười phá lên: “Được, mời mười bữa cũng được.”

 

Màn hình điện thoại hiển thị ngày tháng, tôi chẳng quan tâm họ nói gì nữa, cúi đầu nhìn ngày tháng hiện lên.

 

Ngày 7 tháng 10.

 

Chắc màn hình điện thoại quá sáng, khiến mắt tôi cay xè.

 

Ngày 7 tháng 10, ngày giỗ của Tống Thanh Yến.

 

Anh ấy đã đi bao lâu rồi, đến mức tôi cũng gần như quên mất.

 

“Ninh Uyển.”

 

Tôi ngẩng đầu lên, Tạ Đình Diễn đứng đối diện: “Bánh bao tiệm Chu Ký, như cũ.”

 

“Được.” Tôi đáp.

 

Bánh bao Chu Ký luôn khó mua, hai vợ chồng lớn tuổi bán rẻ mà ngon. Là tiệm ăn sáng nổi tiếng nhất khu Thượng Thành. Tôi từng không ít lần chạy đi mua cho Tạ Đình Diễn.

 

Sáng 5 giờ rưỡi xếp hàng, đến 6 giờ mới mua được, rồi cầm bánh bao nóng hổi tới tìm anh ta.

 

“Chị Ninh, tối nay đi nhậu với bọn em nhé? Canh chừng anh Diễn giùm chút, tối nay nhiều gái lắm đó.”

 

Tôi nhìn Tạ Đình Diễn: “Không đi, tôi có việc rồi.”

 

“Cô có việc gì chứ?”

 

Tạ Đình Diễn lên tiếng hỏi tôi.

 

Dĩ nhiên là — chuyện quan trọng hơn anh.

 

Tôi không trả lời, mở điện thoại rồi lại tắt, cuối cùng chỉ buông một câu: “Tôi đi đây.” Sau đó quay người rời đi, không quay đầu lại, bắt một chiếc taxi bên đường.

 

“Cô gái, đi đâu vậy?”

 

“Nghĩa trang ngoại thành.”

 

Tài xế khựng lại: “Đi thăm người sao?”

 

Tôi khẽ “ừm” một tiếng, trong đầu hiện lên khuôn mặt giống hệt Tạ Đình Diễn.

 

Tài xế không nói gì thêm, tôi cũng được yên tĩnh.

 

Chiếc taxi chạy ngang qua chỗ Tạ Đình Diễn và đám bạn của anh ta.

 

Tôi ngồi trong xe, ánh mắt chạm phải ánh mắt của Tạ Đình Diễn.

 

Khoảnh khắc đó, tôi chỉ cảm thấy trong mắt anh ta là một mảnh lạnh lẽo bức người.

 

Mộ của Tống Thanh Yến ở hàng thứ mười, vị trí thứ bảy.

 

Tôi bước từng bậc từng bậc lên, cuối cùng dừng lại trước mộ anh.

 

Anh à, lại một năm nữa rồi.

 

Lần này em không mua gì cho anh cả, đừng mắng em keo kiệt nhé.

 

Em… có chút nhớ anh, anh ơi.

 

Tôi ngồi đó, suốt cả ngày lặng lẽ nói chuyện với Tống Thanh Yến trong lòng.

 

Cho đến khi chuông điện thoại vang lên, là Tạ Đình Diễn gọi. Tôi nghe máy, không nói gì.

 

Bên kia chỉ có tiếng điện lưu, cuối cùng là giọng Tạ Đình Diễn, không được coi là tốt đẹp gì.

 

“Ninh Uyển, cô coi ông đây là thế thân.”

 

Tôi đứng dậy, chân tê rần. Khi quay đầu lại thì thấy Tạ Đình Diễn đang đứng trên bậc thang.

 

Anh ta không đứng xa, chắc chắn có thể thấy rõ bức ảnh trên bia mộ của Tống Thanh Yến.

 

Câu nói ấy của anh ta, nghiến răng nghiến lợi mà thốt ra.

 

Đường đường là thiếu gia nhà họ Tạ, chắc chưa từng bị đối xử thế này.

 

Tôi không đáp lời.

 

Anh ta nhìn tôi, bao nhiêu giận dữ dường như chẳng thể trút ra:

 

“Cô phân biệt được không, tôi với hắn.”

 

Tôi dĩ nhiên phân biệt được.

 

Tống Thanh Yến và Tạ Đình Diễn, từ đầu đến cuối, ngoài gương mặt giống nhau bảy phần, thì chẳng có gì giống nhau cả.

 

Hai người này, ngoài gương mặt, không có điểm nào giống nhau.

 

Lần đầu tiên tôi gặp Tống Thanh Yến là khi tôi học lớp 10, mười lăm tuổi.

 

Khi đó anh ấy đang ngồi trong phòng khách nhà tôi chơi game với anh trai tôi. Anh tôi nói anh ấy là “thiếu niên thiên tài”, học cùng cấp với anh trai. Nói cách khác, Tống Thanh Yến mười chín tuổi, đã là sinh viên năm ba.

 

Anh ấy rất đẹp trai, có khuôn mặt lạnh lùng thanh thoát.

 

Tuấn tú mà tinh tế.

 

Thế nhưng tính cách anh ấy lại vô cùng ôn hòa, là kiểu “quân tử ôn nhuận như ngọc*” trong sách vở.

 

(*ôn nhuận như ngọc: mềm mại, ấm áp, và tinh khiết như ngọc trai. Nó thường được dùng để miêu tả một người có tính cách ôn hòa, lễ độ, và có phẩm chất cao đẹp, giống như vẻ đẹp và sự quý giá của ngọc.)

 

Tôi bị anh trai gọi đến ngồi bên làm bài tập. Hai người con trai ngồi chơi điện tử rất yên tĩnh, không có lời qua tiếng lại, cũng không chửi bậy. Tôi liền ngồi ngang nhiên bên bàn trà, nghiêm túc làm toán.

 

Nhưng tôi và môn Toán vốn chẳng có duyên.

 

Dù vắt óc suy nghĩ cũng không làm nổi câu cuối cùng.

 

Đúng lúc đó, Tống Thanh Yến nghiêng người lại gần, giọng nói trong trẻo:

 

“Câu này không biết làm à?”

 

Tôi sững người, tai hơi đỏ lên.

 

Anh ấy cười nhẹ:

 

“Chỉ cần vẽ thêm một đường phụ là được.”

 

Anh ấy cầm bút từ tay tôi, vẽ một đường thẳng trên hình, lập tức khiến tôi bừng tỉnh ngộ. Phần còn lại tôi làm rất trôi chảy, cứ nghĩ anh ấy sẽ quay lại chơi game.

 

Vì thế sau khi làm xong, tôi mới âm thầm thở phào.

 

Không ngờ anh ấy vẫn đang nhìn tôi.

 

Nụ cười vẫn ôn hòa như cũ:

 

“Làm đúng rồi, em gái thông minh thật đấy.”

 

Tôi không biết anh ấy quen anh tôi thế nào, nhưng từ hôm đó trở đi, mỗi kỳ nghỉ anh ấy thường đến nhà tôi cùng anh trai.

 

Lúc thì có nhiều người, bọn họ bàn chuyện học hành nghiên cứu gì đó.

 

Lúc thì chỉ có mình anh ấy, nằm ngả vào ghế sofa với anh trai chơi điện tử.

 

Hoặc làm gì đó khác.

 

Tôi luôn thích lén nhìn anh ấy, hoặc cầm bài tập đến hỏi anh ấy.

 

Đôi khi chẳng có bài nào để hỏi, tôi lại cố tình chọn mấy câu dễ ợt để lấy cớ.

 

Tống Thanh Yến chưa bao giờ nói gì, luôn mỉm cười giảng bài cho tôi.

 

Sau đó còn móc từ túi ra một viên kẹo đưa tôi.

 

Tôi không nỡ ăn, giấu đi cẩn thận, tích góp lại đầy cả một hũ thủy tinh.

 

Ánh nắng chiếu lên bàn học, chiếu lên hũ kẹo, giấy gói kẹo trong suốt phản chiếu ánh sáng sặc sỡ trên mặt bàn — như một câu chuyện cổ tích vậy.

 

Sau này anh tôi ra nước ngoài trao đổi du học, trong nhà không có ai, người đến chăm tôi liền là Tống Thanh Yến.

 

Anh ấy hay đến, nhưng không có quy luật gì cả.

 

Mỗi lần đến đều xách theo rất nhiều đồ ăn, rồi vào bếp, đeo tạp dề, nấu món tôi thích.

 

Tôi đứng ngoài cửa bếp nhìn anh ấy.

 

“Anh ơi, sao anh không đi trao đổi như anh em?”

 

Tống Thanh Yến khựng lại trong lúc thái rau, rồi vẫn mỉm cười ôn hòa như thường lệ:

 

“Vì anh nghèo, không có tiền đi.”

 

Tôi im lặng hồi lâu.

 

Tống Thanh Yến dường như nhận ra, liền nhìn tôi:

 

“Hôm nay làm sườn xào chua ngọt cho Uyển Uyển được không?”

 

Tôi cũng cười:

 

“Được, em thích nhất món đó.”

 

Anh ấy thực sự rất nghèo.

 

Nếu anh ấy không nói ra, nếu tôi không bắt đầu quan sát kỹ vì điều đó, thì có lẽ mãi mãi tôi cũng không nhận ra.

 

Tống Thanh Yến có khí chất rất tốt, là kiểu công tử phong độ nho nhã, khiến người ta nhìn vào là nghĩ xuất thân từ gia đình danh giá.

 

Quần áo anh ấy mặc lúc nào cũng sạch sẽ, khiến người ta không nhận ra chúng đã lỗi thời.

 

Chỉ là… phần lớn đều là đồ cũ từ lâu rồi.

 

Nhưng vì anh ấy có ngoại hình đẹp, vóc dáng cao ráo thẳng tắp, nên người ta dễ bỏ qua điều đó.

 

Tôi chưa từng nghe anh tôi nhắc đến hoàn cảnh gia đình anh ấy, mà Tống Thanh Yến cũng chưa bao giờ nói.

 

Tôi cũng không hỏi.

 

Vì có những chuyện, càng hỏi lại càng không hay.

 

Năm mười lăm tuổi, tôi bắt đầu viết nhật ký, từng trang từng trang một.

 

Nhân vật chính đều là Tống Thanh Yến.

 

Sự rung động của thiếu nữ đến rất đột ngột, đến mức tôi còn không nhận ra đó là “thích”.

 

Tôi chỉ nghĩ mình quan tâm anh ấy mà thôi, về sau nhật ký lại giống như là bằng chứng anh ấy từng tồn tại bên tôi.

 

Tống Thanh Yến làm thêm ở rất nhiều chỗ.

 

Anh ấy rất tốt, ai cũng thích anh ấy.

 

Chủ quán và khách hàng đều thích anh ấy, bạn học và thầy cô lại càng thích.

 

Không ai là không thích anh ấy.

 

Tôi thường đến chỗ anh ấy làm thêm, chờ anh ấy tan ca, rồi cùng nhau về nhà, hoặc đi ăn một bữa cơm.

 

“Uyển Uyển sau này muốn làm gì?”

 

“Em không biết. Còn anh thì sao?”

 

“Anh à… chắc là muốn làm người có thể kiếm được nhiều tiền.”

 

Ánh trăng rơi xuống, phủ một lớp sương bạc lên khắp nơi xung quanh.

 

Tôi đi phía sau Tống Thanh Yến một chút, lén dùng cái bóng của mình chạm vào cái bóng của anh ấy.

 

Hai cái bóng chồng lên nhau, tôi liền bật cười.

 

Tống Thanh Yến nói, anh ấy muốn trở thành người có thể kiếm nhiều tiền.

 

Anh ấy là thiên tài, khi người ta mười tám tuổi còn chưa chắc đỗ nổi ngành Tài chính danh giá nhất của Thanh Hoa hoặc Bắc Đại, thì anh ấy đã là sinh viên năm hai.

 

Hơn nữa còn là sinh viên được tuyển thẳng, học liên thông đại học – thạc sĩ – tiến sĩ.

 

Tôi tung tăng chạy đến bên cạnh anh ấy:

 

“Sau này anh nhất định sẽ kiếm được nhiều tiền!”

 

Tống Thanh Yến cười:

 

“Được, anh nhận lời chúc của Uyển Uyển nhé.”

 

Anh ấy nói:

 

“Đến lúc đó, người đầu tiên mời ăn cơm sẽ là Uyển Uyển.”

 

Tôi chìa ngón út ra:

 

“Vậy anh không được nuốt lời đó!”

 

Tống Thanh Yến không hề cười nhạo tôi – một cô bé mười lăm tuổi còn chơi trò “móc ngoéo, hứa rồi không được đổi” ngây thơ trẻ con.

 

Anh ấy chỉ nhẹ cúi người, dùng ngón út móc lấy ngón tôi, rồi còn giả bộ đóng dấu.

 

“Ừ, không nuốt lời.”

 

Khi mười sáu tuổi, tôi học lớp 11, còn Tống Thanh Yến đã là sinh viên năm ba.

 

Anh trai tôi vẫn chưa về, Tống Thanh Yến vẫn thay anh trai chăm sóc tôi như thường lệ.

 

Tôi cảm thấy may mắn.

 

Trong một buổi dã ngoại mùa xuân do trường tổ chức, đột nhiên giáo viên thông báo có thể mời người thân cùng tham gia.

 

Tôi bỗng đứng hình.

 

Cả lớp ồn ào như nước sôi, bàn tán không ngớt.

 

"Tôi sẽ đi cùng mẹ tôi, mẹ tôi xinh lắm."

 

Mẹ tôi cũng rất xinh.

 

"Vậy tôi đi với bố! Bố tôi rất tốt và vui tính, hai bố con như bạn thân vậy."

 

Bố tôi cũng rất tốt.

 

"Tôi không muốn mời bố mẹ, tôi sẽ mời anh trai. Anh trai tôi đẹp trai nhất, các cậu sẽ phải choáng váng đấy."

 

Anh trai tôi cũng rất đẹp trai.

 

"Ninh Uyển, cậu định đi với ai vậy?"

 

Câu hỏi bất ngờ chuyển hướng về phía tôi, như một chiếc máy bay giấy lao tới từ hư không.

 

Nó đâm vào người tôi, mang theo một chút đau nhẹ.

 

Tôi không biết phải trả lời thế nào. Bố mẹ tôi đang ở nước ngoài, ba năm năm năm cũng chẳng gặp được mặt. Nếu không có ảnh, có lẽ tôi cũng không nhớ rõ khuôn mặt họ.

 

Anh trai đang ở nước ngoài, không thể vì một buổi dã ngoại mà bắt anh ấy quay về.

 

Tôi lắc đầu, né tránh câu hỏi này.

 

Tan học, tôi định mua một chiếc xúc xích bán ở cổng trường, nhưng đã hết hàng.

 

Vì vậy, tôi đành lê từng bước về nhà.

 

Về đến cửa, tôi lại phát hiện mình làm mất chìa khóa.

 

Tôi cúi đầu lục tìm chìa khóa trong cặp một cách cứng nhắc, tìm mãi mà không thấy, mắt bỗng mờ đi, những giọt nước mắt rơi vào cặp sách, tạo thành những vết lõm nhỏ.

 

Tôi bật khóc nức nở.

 

Cảm xúc thật khó hiểu, ngay cả tôi cũng không giải thích được.

 

"Uyển Uyển?"

 

Tống Thanh Yến khẽ dừng lại, rồi bước đến bên tôi, ngồi xổm xuống: "Sao khóc như vậy? Có chuyện gì thế?"

 

Tôi dụi mắt mạnh: "Em không tìm thấy chìa khóa."

 

"Anh ơi, em làm mất chìa khóa rồi, em không tìm thấy chìa khóa."

 

Nhưng nước mắt vẫn không ngừng chảy.

 

Tôi không tìm thấy dấu vết yêu thương của bố mẹ, không thấy bóng dáng anh trai.

 

Không kịp mua xúc xích, lại làm mất chìa khóa.

 

Tống Thanh Yến thở dài, lấy khăn giấy từ túi ra lau nước mắt cho tôi, động tác nhẹ nhàng.

 

"Anh có mang chìa khóa mà, không sao đâu. Sau này sẽ làm cho em chìa khóa mới, mua cả móc khóa em thích nữa. Được chứ?"

 

Tôi gật đầu.

 

Tống Thanh Yến cuối cùng cũng lau khô nước mắt cho tôi, đứng dậy mở cửa: "Sau này không được dùng tay dụi mắt, tay có vi khuẩn, không tốt cho mắt đâu. Hiểu không?"

 

Tôi vẫn gật đầu.

 

Anh ấy xoa đầu tôi: "Vào nhà đi, hôm nay em muốn ăn gì?"

 

Tôi nói ăn gì cũng được.

 

Anh ấy cười: "Vậy anh tự quyết định nhé."

 

Khi cơm dọn lên, anh ấy đột nhiên hỏi tôi: "Trường em có tổ chức cho phụ huynh cùng tham gia dã ngoại không?"

 

Tôi ngẩn người.

 

Tống Thanh Yến tiếp tục: "Anh có đứa em họ học cùng trường em, dạo này anh muốn thư giãn, có thể đi cùng Uyển Uyển được không?"

 

Tôi cúi đầu ăn cơm, sợ mở miệng sẽ nghẹn ngào.

 

Vì vậy, tôi lại gật đầu.

 

Tống Thanh Yến dựa vào đó: "Ăn từ từ, cảm ơn Uyển Uyển."

 

Là em phải cảm ơn anh mới đúng.

 

Là em phải cảm ơn anh, anh trai ạ.

 

Ngày đi dã ngoại, Tống Thanh Yến mặc rất đẹp. Thực ra anh ấy cũng không cầu kỳ gì lắm, chỉ đơn giản là một chiếc áo sơ mi trắng, quần âu đen, có lẽ vì trời nắng quá nên anh ấy đội thêm một chiếc mũ lưỡi trai đen.  

 

Anh ấy thu hút ánh nhìn của rất nhiều cô gái.  

 

"Ninh Uyển, đây là anh trai cậu à? Đẹp trai quá!"  

 

Tống Thanh Yến đặt tay lên vai tôi, mỉm cười ôn hòa: 

 

"Chào em."*  

 

Bạn học cười tươi, líu lo kể vài chuyện vui ở trường.  

 

Anh ấy chẳng hề tỏ ra mất kiên nhẫn, lắng nghe bạn tôi kể về cuộc sống nhạt nhẽo của tôi ở trường như thể rất hứng thú.  

 

"Anh ơi, anh nghe không thấy chán sao?" 

 

Tống Thanh Yến lắc đầu, vặn nắp chai nước cho tôi: "Rất thú vị mà." 

 

"Có những người bạn tốt cùng học, cùng ăn, cùng than thở, những ngày như thế rất đẹp đấy, Uyển Uyển. Sau này nhớ lại, em sẽ thấy nó thật tuyệt vời."  

 

"Tại sao ạ?" 

 

Anh ấy cười: "Vì đó là tuổi thanh xuân mà."  

 

Thanh xuân không quay trở lại.  

 

Tuổi trẻ của một người đọng lại ở thời cấp ba, và trong thanh xuân của tôi, Tống Thanh Yến chính là nét bút đậm nhất.  

 

 

 

Địa điểm dã ngoại là bãi biển.  

 

Chúng tôi đi dọc bờ cát rất lâu, cuối cùng anh ấy đưa tôi về nhà.  

 

"Tối nay em muốn ăn gì? Anh nấu cho em nhé?" 

 

Tôi lắc đầu, không muốn anh ấy lại vào bếp: "Anh ơi, chúng mình ra ngoài ăn đi, em mời anh đi ăn xiên nướng." 

 

Tống Thanh Yến không từ chối.  

 

Đêm hè cuối cùng cũng có chút mát mẻ, anh ấy đội mũ lưỡi trai lên đầu tôi, nụ cười trong sáng. Tôi thấy trong mắt anh ấy in hình bóng nhỏ bé của mình.  

 

"Anh ơi, sao trăng hôm nay to thế?" 

 

Anh ấy cùng tôi ngước nhìn lên vầng trăng: "Vì hôm nay là mười sáu."  

 

Ngày rằm tháng bảy, ngày xưa khi ông bà còn sống, các cụ thường bế tôi ngồi trong sân ngắm trăng. Người già hay nói, "trăng rằm mười sáu tròn".  

 

Tôi cười, ngoảnh sang nhìn Tống Thanh Yến: "Như chiếc đĩa ngọc vậy." 

 

Đĩa ngọc trắng.  

 

Tay anh ấy vuốt nhẹ mái tóc tôi: "Về nhà thôi." 

 

Trong lớp bắt đầu rộ lên trào lưu gấp hạc giấy, người ta bảo nếu gấp đủ một nghìn con, tặng cho người mình thích thì điều ước sẽ thành hiện thực. Chẳng biết tin đồn này từ đâu ra.  

 

Nhưng tôi đã mua rất nhiều giấy màu.  

 

Mỗi tối, hoặc khi mệt mỏi, tôi lại lấy ra một tờ, viết vài dòng rồi gấp lại bỏ vào lọ.  

 

[Hôm nay trời đẹp quá, anh ơi.] 

 

[Em gặp ác mộng, nhưng giờ em không sợ nữa.]  

 

[Anh quá dịu dàng, em sẽ càng ngày càng thích anh.] 

 

Bạn bè thường cười đùa chọc tôi: "Thích ai thế? Còn gọi là anh? Cậu có bí mật gì à?"  

 

Tôi cười tránh đi.  

 

Thích một người rất tốt, rất ấm áp.  

 

Thích anh ấy.  

 

Tôi đã gấp được hai trăm linh tám con hạc giấy rồi.

 

Tôi bắt gặp một câu nói khi đang đọc sách: "Người đẹp có tội, luôn có những ghét bỏ vô cớ."

 

Cứ như để chứng minh câu nói này là đúng, cuộc sống cấp ba của tôi trở nên tồi tệ. Câu nói ấy như một lời nguyền, mang đến cho tôi những điều không hay, những chuyện khó nói.

 

Bàn học của tôi bắt đầu xuất hiện chuột ch ết và cóc.

 

Trên ghế có keo và giấy dính đầy màu vẽ.

 

Bài tập và sách vở không biết từ lúc nào đã biến mất.

 

Đôi khi tôi còn bị nhốt trong nhà vệ sinh không ra được, tôi cứ ngồi xổm trên đất chờ cô lao công đến mở cửa.

 

Tôi không chống cự, cũng không có bất kỳ cảm xúc nào khác.

 

Bởi vì họ nói tôi là đứa trẻ không được ai yêu thương, sẽ không ai quan tâm đến tôi, giúp đỡ tôi.

 

Đằng sau lưng tôi bắt đầu có những lời bàn tán, họ ngang nhiên đứng sau lưng tôi bàn tán về quần áo tôi mặc, về nhân phẩm của tôi. Họ đứng ở trên cao, như những kẻ thống trị thế giới, hạ thấp tôi không đáng một xu.

 

Họ nói đúng, tôi là đứa trẻ không được yêu thương.

 

"Ninh Uyển suốt ngày mặc đồ hiệu, không bộ nào trùng bộ nào."

 

"Xì xì, đừng nói thế, tiền và quần áo của cậu ta không biết từ đâu ra đâu."

 

"Là sao?"

 

"Là có người từng nói, cậu ta là gái bao đó."

 

"Thật hả? Chả trách, cậu ta xinh đẹp thế, chắc chắn có không ít người để mắt tới, lần trước còn thấy cậu ta lên taxi nữa mà."

 

Tin đồn lan truyền dữ dội.

 

Tôi bị mắng chửi, đi trong sân trường luôn có cảm giác bất lực.

 

Như một khúc gỗ trôi dạt trên biển, muốn chìm xuống nhưng lại cứ nổi lên mặt biển đón nhận mọi mưa gió.

 

Tôi bắt đầu nảy sinh một ý nghĩ.

 

Khi ngồi trên ban công nhà, nhìn những bông hoa nở đầy sân tôi có chút mơ màng. Tôi không biết chúng nở từ khi nào, cũng không biết chúng được trồng từ lúc nào, càng không biết tên của những bông hoa đó.

 

Tống Thanh Yến chính là lúc này lặng lẽ ngồi bên cạnh tôi.

 

Anh ấy đưa cho tôi một chai sữa.

 

"Nhìn thế này, phong cảnh đẹp thật đấy, đúng không Uyển Uyển?"

 

Tôi nhận lấy chai sữa, nhẹ nhàng đáp một tiếng, ấm áp.

 

"Dạo này ở trường thế nào?"

 

Tôi không trả lời.

 

Thực ra là không biết phải trả lời thế nào, tôi đang do dự, có nên kể cho anh ấy nghe tất cả những gì tôi đã trải qua, hay nở nụ cười nói với anh ấy rằng tôi ở trường mọi thứ đều tốt.

 

Nhưng tôi chưa kịp nói, Tống Thanh Yến đã mở lời.

 

Anh ấy không cười, vẻ mặt rất nghiêm trọng, nhưng giọng nói vẫn rất nhẹ nhàng: "Lần trước đi ngang qua trường em, bạn của anh thấy em bị người ta kéo đi rồi."

 

"Thứ Sáu."

 

À, lần đó.

 

Tôi bị giật tóc lôi vào con hẻm, họ lục soát quần áo tôi, lấy hết tiền mặt của tôi.

 

"Anh," Giọng tôi có chút khàn: "Em là đứa trẻ không được ai yêu thương sao?"

 

Tống Thanh Yến sững sờ, tay anh ấy giơ lên rồi lại buông xuống.

 

Tôi cười một cái, nhìn những bông hoa nở rộ dưới chân.

 

"Họ đều nói vậy, hình như là dựa vào việc không ai yêu thương em, nên mới bắt nạt em."

 

"Bài tập em viết xong bị mất, sách bài tập em khó khăn lắm mới mua được không biết từ lúc nào đã bị xé nát, không nhìn thấy một câu nào. Trong ngăn bàn còn có chuột và rắn mà em sợ."

 

"Có lúc bị nhốt trong nhà vệ sinh, không có đồng hồ, em cứ nghĩ, đã trôi qua mấy phút rồi nhỉ?"

 

"Kết quả khi được cô lao công thả ra thì phát hiện, mới có mười phút thôi."

 

"Nhưng em lại cảm thấy như đã trôi qua một năm, quá dài đằng đẵng."

 

Tôi kéo kéo chiếc váy xinh đẹp trên người: "Ngay cả mặc một bộ quần áo đẹp cũng bị chỉ trỏ nói, đây là em ngủ với người khác mà có được. Em không xứng đáng có những bộ quần áo đẹp như vậy."

 

"Anh," Tôi nói: "Em hình như không sống nổi nữa rồi."

 

Tôi đã gấp bao nhiêu con hạc giấy rồi nhỉ, hình như là bốn trăm sáu mươi chín con.

 

Tôi không nhớ rõ nữa rồi.

 

Cuối cùng, tôi được Tống Thanh Yến ôm vào lòng.

 

Mùi hương trên người anh ấy thật dễ chịu, tôi hít hà rất lâu, là mùi bạc hà.

 

"Uyển Uyển, anh yêu em."

 

Anh ấy không nói gì cả, chỉ lặp đi lặp lại câu "anh yêu em".

 

Sau đó, anh ấy lau đi những giọt nước mắt của tôi.

 

Cảm giác đó thật khó tả.

 

Bạn đang rơi xuống vực sâu, quá trình rơi rất chậm, bạn mong muốn nó kết thúc sớm. Để đến một nơi yên tĩnh khác, xung quanh bao trùm một màn đêm đen kịt. Đột nhiên, một vết nứt xuất hiện, ánh sáng xuyên qua. Sau đó, một bàn tay vươn ra từ vết nứt đó, nắm chặt lấy bạn.

 

Và rồi bạn không muốn rơi xuống nữa, bạn muốn bò lên.

 

Để nhìn thấy ánh nắng mặt trời.

 

"Có người che chở cho Uyển Uyển của chúng ta, những đứa trẻ đó là những đứa trẻ hư, chúng nói không đúng đâu."

 

Tống Thanh Yến đã nói chuyện với anh tôi về tình hình của tôi.

 

Sau đó, anh ấy đưa tôi đến trường.

 

Trước khi đi, anh ấy hỏi tôi có muốn đi cùng anh ấy không.

 

Thực ra anh ấy không muốn tôi đi, anh ấy không muốn thấy những người đó mắng mỏ, chỉ trích tôi.

 

Nhưng tôi vẫn đi.

 

"Cái này, anh là anh trai của Ninh Uyển đúng không? Học sinh ở trường luôn rất ngoan, hòa đồng với bạn bè, bây giờ xảy ra vấn đề này, anh cũng không có bằng chứng..."

 

Cô giáo chủ nhiệm ngừng lại: "Không thể nói không có bằng chứng đúng không."

 

Tôi ngồi trên ghế: "Cô giáo, bây giờ chúng ta hãy đến lớp xem thử đi ạ."

 

Xem thử có những thứ tôi nói không.

 

Tay Tống Thanh Yến vỗ vỗ vào lưng tôi, như thể đang an ủi tôi.

 

Anh ấy nhìn cô giáo chủ nhiệm của tôi, để lộ ra một biểu cảm mà tôi chưa từng thấy, có chút hung dữ và lạnh lùng.

 

"Ý cô là chúng tôi đang bịa đặt sao?"

 

"Em gái của chúng tôi học ở đây, chịu nhiều bắt nạt như vậy. Theo lý mà nói, là một giáo viên chủ nhiệm, cô nên phát hiện ra điều bất thường đầu tiên chứ. Ninh Uyển bị nhốt trong nhà vệ sinh mấy tiết không về lớp, cô có hỏi chuyện này không?"

 

"Cô không hỏi đúng không."

 

Anh ấy ngồi đó, mặt không biểu cảm.

 

Có chút hung dữ, nhưng tôi lại cảm thấy một dòng nước ấm chảy vào tim.

 

Chúng tôi vào lớp, tôi đứng ở chỗ của mình, rất bình tĩnh lấy ra con chuột ch ết và một con rắn nhỏ còn sống từ trong ngăn bàn.

 

Thò tay vào sâu hơn, tôi chạm phải một thứ màu đỏ tươi.

 

Là màu vẽ bị ai đó đổ vào.

 

Cô giáo chủ nhiệm không nói nên lời nữa.

 

Tống Thanh Yến cũng không nói gì, chỉ là biểu cảm quá nặng nề.

 

Tôi rửa tay sạch sẽ, nhìn anh ấy lấy giấy lau khô cho tôi: "Anh, bây giờ anh dữ quá."

 

Anh ấy sững sờ, động tác nhẹ nhàng: "Vậy sao?"

 

Tôi đáp một tiếng, dùng tay kia vuốt phẳng trán anh ấy: "Đúng vậy, em vừa nãy còn bị anh dọa sợ đấy."

 

"Uyển Uyển."

 

Tống Thanh Yến ném giấy vào thùng rác: "Anh là trẻ mồ côi."

 

Anh ấy nhìn tôi và cười một cái.

 

"Khi có ký ức, anh đã ở trong viện mồ côi rồi. Lúc đó anh cũng bị bắt nạt, trẻ con không có ác ý quá lớn, nhưng lúc đó anh luôn rất buồn."

 

"Sau này có người dạy anh, không thể cứ mãi dung túng như vậy."

 

"Phải phản kháng, phải cho chúng biết, không ai đáng bị chúng bắt nạt như vậy."

 

Tôi nhìn Tống Thanh Yến, rất lâu không nói nên lời.

 

Chả trách anh ấy nói mình rất nghèo.

 

Chả trách anh ấy không bao giờ nói về gia đình, vì anh ấy căn bản không có.

 

"Cho dù họ đều nói em không được ai yêu thương, cũng đừng tin."

 

"Uyển Uyển, hãy tin chính em, tin anh trai em, và cũng tin anh nữa."

 

"Chúng tôi yêu em."

 

Anh ấy nói, đừng nghe lời người khác, hãy nghe theo tiếng lòng của chính mình.

 

Hạc giấy đã gấp được rất nhiều rồi, chắc phải sáu trăm bảy mươi ba con rồi.

 

Đã đầy mấy lọ rồi, phải mua cái to hơn thôi.

Chương tiếp
Loading...